Pages

bảo vệ lá gan


Menu

12/10/15

ÁP XE GAN VÀ NHIỄM SÁN LÁ GAN

Một trong những đặc biệt của bệnh lý gan ở Việt Nam là có nhiều bệnh gan do nhiễm các loại vi sinh vật, ký sinh trùng... mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức về vệ sinh của người dân cũng như các điều kiện vệ sinh môi trường chưa được tốt. Trong đó, bệnh gan do nhiễm các loại ký sinh trùng đường ruột như áp xe gan amíp, nhiễm sán lá gan... tương đối khá phổ biến.
ÁP XE GAN

I. ÁP XE GAN LÀ GÌ?
Áp xe gan là tình trạng viêm nhiễm làm hư hại gan, tạo nên một hoặc nhiều ổ mủ ở trong gan.  Áp xe gan có thể do một loại ký sinh trùng là amíp hoặc do vi trùng gây ra.
II. TẠI SAO CHÚNG TA LẠI BỊ ÁP XE GAN?
Ở nước ta, bệnh áp xe gan thường do amíp gây ra vì đây là một bệnh lý đặc biệt ở các xứ có khí hậu nóng ẩm và điều kiện vệ sinh chưa được tốt. Còn áp xe gan do vi trùng thì ít gặp hơn và thường xảy ra sau khi nhiễm trùng đường mật.
1. Amíp là một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Entamoeba histolytica, sống thích hợp ở những vùng khí hậu nóng ẩm như các xứ nhiệt đới. Vì vậy, bệnh thường gặp ờ các nước vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh được lây nhiễm qua đường ăn uống nhất là ở các nơi có điều kiện kinh tế và vệ sinh thấp kém.
Entamoeba histolytica dạng tự dưỡng
Amíp tồn tại dưới hai dạng: dạng tư dưỡng (trophozoites) là dạng gây bệnh và dạng bào nang (kyste) là nguồn truyền bệnh. Người đã bị nhiễm amíp sẽ phóng thích bào nang theo phân ra ngoài. Bào nang này có thể sẽ sống khá lâu ở môi trường bên ngoài (1-2 tuần) nếu nó gặp nước hoặc ở chỗ ẩm ướt. Chúng ta bị nhiễm amíp khi nuốt bào nang trực tiếp qua tay dơ (sau khi tiếp xúc với người bệnh) hoặc gián tiếp khi uống nước hay ăn thức ăn đã bị nhiễm bào nang của amíp. Vào trong ruột, bào nang sẽ biến thành các amíp dạng tư dưỡng; có khi gây bệnh ngay nhưng cũng có khi sống trong ruột mà không gây bệnh. Những người như thế được gọi là “người lành mang trùng”. Tuy nhiên, người lành mang trùng thường xuyên phóng thích amíp ra phân dưới dạng bào nang và chính họ là nguồn truyền bệnh cho người khác.
Entamoeba histolytica dạng bào nang
Biểu hiện đầu tiên khi bị nhiễm amíp là triệu chứng kiết lỵ: bệnh nhân bị đau bụng quặn từng cơn kèm theo đi cầu lỏng nhiều lần trong ngày, phân có đàm nhớt, đôi khi lẫn máu, cảm giác mót rặn hoặc đau buốt ở hậu môn. Bệnh có thể tự thuyên giảm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, amíp sống trong ruột và gây ra viêm đại tràng mãn tính. Lúc đó, bệnh nhân cứ bị đau bụng và tiêu chảy từng đợt kéo dài.
Sau một thời gian sống trong ruột, amíp chui qua thành ruột đi đến gan làm tắc một số mạch máu ở gan và làm hư hại gan, tạo nên các ổ mủ trong gan  được gọi là các ổ “áp xe” gan. Nhiều khi amíp còn đi lên phổi, lách và não cũng có thể tạo ra các ổ áp xe ở phổi, lách, não...
2. Vi trùng: gây áp xe gan thường là những vi trùng sống ở đường ruột. Vi trùng có thể đi đến gan bằng nhiều con đường khác nhau, ví dụ như từ đường mật (nếu trước đó bệnh nhân đã nhiễm trùng từ đường mật); theo đường máu (khi bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết); theo đường bạch huyết (nếu bệnh nhân có ổ áp xe trong ổ bụng như áp xe ruột thừa, áp xe buồng trứng).
III. LÀM SAO BIẾT MÌNH BỊ ÁP XE GAN?
Bệnh nhân bị áp xe gan thường có triệu chứng sốt khoảng 38-38o5C, có thể sốt cao hơn và kèm theo lạnh run nếu do vi trùng. Bệnh nhân bị đau vùng dưới sườn bên phải, đau liên tục kiểu căng tức, cảm giác như bị ai bóp chặt vùng dưới sườn bên phải. Đau tăng lên khi ho và thở mạnh. Gan bị sưng to và rất đau. Ngoài ra, bệnh nhân thường chán ăn, mệt mỏi, hốc hác nếu tình trạng sốt kéo dài.
Cách phát hiện bệnh nhanh nhất là đi làm siêu âm bụng. Qua siêu âm, ta có thể phát hiện một hay nhiều ổ mủ ở trong gan. Muốn xác định chính xác áp xe gan có phải do amíp hay không, người ta phải làm thêm xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng amíp trong máu. Xét nghiệm này thường có kết quả dương tính >90%. Đôi khi xét nghiệm phân tìm thấy amíp hoặc các bào nang của nó trong phân. Khi chọc hút trong ổ áp xe, nếu là do amíp thì mủ có màu nâu như màu sô-cô-la, còn nếu do vi trùng thì mủ có thể có màu vàng, màu trắng tùy theo từng loại vi trùng...
IV. ÁP XE GAN CÓ THỂ CÓ CÁC BIẾN CHỨNG NÀO?
Nếu không được phát hiện sớm để điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng kéo dài có thể làm cho bệnh nhân bị suy kiệt và hốc hác. Ổ mủ to có thể bị vỡ vào trong ổ bụng hoặc vỡ vào các vùng kế cận như khoang màng tim, màng phổi. Điều quan trọng cần nhớ là áp xe gan là một bệnh nhiễm trùng lành tính, hoàn toàn chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị đúng. Áp xe gan không bao giờ gây xơ gan hoặc ung thư gan như một số bệnh nhân thường lo sợ.
V. CÁCH CHỮA TRỊ ÁP XE GAN NHƯ THẾ NÀO?
Tùy theo nguyên nhân mà chúng ta có các cách điều trị thích hợp:
Amíp được điều trị bằng thuốc Emetine tiêm bắp trong 10 ngày và/hoặc Metronidazole (Flagyl) uống trong 10-14 ngày. Cần lưu ý rằng các thuốc nói trên có một số tác dụng phụ nên không thể điều trị quá liều và quá thời gian quy định. Vì vậy, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị cụ thể. Hiện nay, đã có các thuốc mới như Secnidazole vừa có hiệu quả vừa rút ngắn được thời gian điều trị chỉ còn 5 ngày. Sau một đợt điều trị như trên, một số thầy thuốc lại dùng thêm các thuốc thuốc nhóm oxyquinoleine như Intetrix, Direxiode... khoảng 10-15 ngày để diệt các bào nang và amíp tại ruột, hạn chế sự tái phát của bệnh.
Khi ổ mủ quá to, người ta phải chọc hút để tháo bớt mủ ra ngoài, còn những ổ mũ nhỏ có thể tự tiêu khi điều trị bằng thuốc. Trường hợp ổ mủ có biến chứng vỡ vào trong ổ bụng hoặc vỡ vào các nơi lân cận, bắt buộc phải mổ để làm sạch mủ.
Nếu áp xe gan do vi trùng thì phải dùng kháng sinh sử dụng bằng đường tiêm chích và thường phải kết hợp với việc chọc tháo mủ qua kim hoặc phải mổ nhất là khi có biến chứng vỡ ổ áp xe gan.
VI. LÀM SAO ĐỂ PHÒNG NGỪA ÁP XE GAN?
Áp xe gan do amíp là một bệnh nhiễm kí sinh trùng, lây lan qua đường ăn uống và hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp vệ sinh thực phẩm và ăn uống. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi cầu vì tay dơ là một phương cách lây truyền bệnh. Hạn chế ăn uống ở các hàng quán không đảm bào vệ sinh và không ăn các thức ăn tươi sống như rau quả không được rửa kỹ. Rữa rau bằng thuốc tím pha loãng 1% chỉ chết được vi trùng mà không chết được trứng giun và các bào nang của ký sinh trùng. Vì vậy, chúng ta nên rửa rau bằng nước muối 2% trong 3 phút (4 muỗng cà phê muối ăn pha với 1 lít nước) rồi rửa lại bằng nước sạch nhiều lần. Cần giáo dục dân chúng vấn đề vệ sinh chung, không đi cầu bừa bãi ra đường phố hoặc trên sông rạch... Những người trồng rau, không được dùng phân tươi mà phải ủ phân kín không có ánh sáng ít nhất là 3 tháng rồi mới được bón phân mới đảm bảo hết sạch trứng và bào nang của ký sinh trùng.
Muốn ngăn ngừa áp xe do vi trùng, cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh sỏi đường mật hoặn các ổ nhiễm trong ổ bụng để ngăn chặn sự tràn lan của nhiễm trùng đến gan.

NHIỄM SÁN LÁ GAN

I. BỆNH NHIỄM SÁN LÁ GAN LÀ GÌ?
Đây là một bệnh gây ra do một loại ký sinh trùng có hình dạng dẹp giống như chiếc lá, màu nâu đỏ, sống trong đường mật và trong gan nên được gọi là sán lá gan. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các súc vật như trâu, bò, cừu, ngựa... Con người chỉ tình cờ bị nhiễm bệnh mà thôi.
II. SÁN LÁ GAN GÂY BỆNH NHƯ THẾ NÀO?
Sán lá gan có hai loại: Sán lá lớn có tên khoa học là Fasciola hepatica và sán lá nhỏ có tên khoa học là Clonorchis sinensis.


Sán lá gan lớn Fasciola hepatica 
Chu kỳ phát triển của hai loại sán lá trên có một số đặc điểm khác nhau:
1. Sán lá lớn đẻ trứng. Trứng theo đường mật xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Ở môi trường nước ngọt, trứng nở ra ấu trùng tức là các dạng ký sinh trùng còn nhỏ chưa trưởng thành. ấu trùng sống ký sinh trong một loại ốc rồi qua nhiều giai đoạn biến đổi, ấu trùng chui ra khỏi ốc và sống dưới nước, bám vào các rau cỏ mọc ở nước. Khi người hoặc súc vật uống nước hoặc ăn phải rau bị nhiễm, ấu trùng sẽ đi vào trong ruột. Tiếp theo đó, nó đi xuyên qua màng bụng, rồi xuyên qua màng bao gan để cư trú trong gan. Một thời gian sau, sán lá di chuyển dần đến sống trong đường mật. Do đó, bị nhiễm sán lá lớn chủ yếu là do ăn các rau cỏ sống dưới nước bị nhiễm như rau muống ở ao hồ, ngó sen.. mà không được rửa kỹ hoặc nấu chín.
Sán lá nhỏ Clonorchis sinensis
2. Sán lá nhỏ sống chủ yếu trong đường mật và đẻ trứng. Trứng cũng theo phân ra ngoài. Gặp nước trứng sẽ nở ra ấu trùng. Ấu trùng ký sinh trong các sinh vật sống ở dưới nước như cá, ốc... Chúng ta bị nhiễm sán lá nhỏ là do ăn các loại cá như cá chép, cá rô... và các loại ốc đã bị nhiễm mà không nấu chín. Những nơi có thói quen ăn gỏi cá sống, cá nướng trui hoặc các món ốc mà không được nấu chín thường dễ bị nhiễm sán lá nhỏ. Ấu trùng vào ruột sẽ đi ngược lên đường mật rồi cư trú ở đó. Khi sán lá nhỏ trưởng thành sẽ đẻ trứng và tiếp tục chu trình lây nhiễm cho người khác.
III. BIỂU HIỆN CỦA BỆNH NHIỄM SÁN LÁ GAN NHƯ THẾ NÀO?
Ở Việt Nam, nhiễm sán lá lớn thường gặp ở các tỉnh miền Trung đi từ Khánh Hòa, Nha Trang đến Huế... Còn nhiễm sán lá nhỏ đa số gặp ở các tỉnh miền Bắc.
Trong thời kỳ đầu, bệnh nhân thường sốt nhưng không cao lắm, rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn đỏ ngoài da. Gan có thể to và đau nhức vùng dưới sườn bên phải. Sán lá gan có thể lây nhiễm và tắc đường mật. Lúc đó, bệnh nhân có thể bị vàng da. Lâu ngày, có thể gây xơ gan do tắc mật hoặc tiến triển thành ung thư đường mật. Bệnh nhân thường được chần đoán lầm là áp xe gan do amíp và được điều trị bằng các thuốc trị amíp và kháng sinh cho nên bệnh nhân vẫn không thuyên giảm.
Việc chẩn đoán dựa vào các biểu hiện gợi ý, siêu âm bụng và đặc biệt là xét nghiệm máu tìm kháng thể sán lá gan. Ngoài ra, bạch cầu ái toan trong máu tăng cao cũng có giá trị hướng dẫn trong việc chẩn đoán. Xét nghiệm phân ít khi tìm được trứng sán lá gan.
IV. CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH NHIỄM SÁN LÁ GAN NHƯ THẾ NÀO?
Hiện nay, thuốc điều trị đặc hiệu cho nhiễm sán lá lớn ở gan là  Bithionol hay Triclabenzole nhưng các thuốc này chưa có mặt trên thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể điều trị thay thế bằng Emetine (tiêm bắp trong 10 ngày), Praziquantel (Biltricide hay Distocide) và Albendazole (Zentel). Đối với sán lá nhỏ ở gan cũng có hiệu quả khi dùng Praziquantel và Albendazole.
V. LÀM SAO PHÒNG NGỪA NHIỄM SÁN LÁ GAN:
Vẫn là các biện pháp vệ sinh về thực phẩm và ăn uống. Quan trong nhất là không ăn các loại rau sống mà không được rửa kỹ và nên tránh các loại thức ăn được làm từ ốc và cá sống như gỏi cá sống, cá nướng trui...

1 nhận xét:

Unknown nói...

Áp se gan sán lá gan có thuốc chữa hông vậy bác siz