Pages

bảo vệ lá gan


Menu

7/10/15

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH GAN

Gan là một “nhà máy” chế biến các thức ăn mà chúng ta ăn vào hằng ngày để biến đổi thành các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, dinh dưỡng là một vấn đề quan trọng trong các bệnh lý về gan.
Khi bị bất kỳ một bệnh nào, vấn đề ăn uống sao cho phù hợp với bệnh trạng là mối quan tâm lớn của người bệnh. Ăn uống như thế nào để phòng ngừa bệnh tật hoặc không làm cho bệnh nặng hơn, hay ít ra là có thể làm thuyên giảm phần nào các triệu chứng của bệnh. Do đó, việc ăn uống đúng cách khi bị bệnh phải được xem như một biện pháp điều trị mà không dùng thuốc.
Khi đề cập đến vấn đề dinh dưỡng của bệnh gan, chúng ta thường được nghe rất nhiều lời khuyên khác nhau được lưu truyền từ người này sang người nọ, từ đời này sang đời kia. Có những lời khuyên đôi khi phản khoa học nhưng lại ăn sâu vào ký ức của quần chúng. Ví dụ như khi bị bệnh gan, người ta hoàn toàn không dám ăn trứng hoặc dầu mỡ, thậm chí chỉ ăn cháo đường hoặc ăn cơm với chuối cho “dễ tiêu” (?). Việc ăn uống kiêng khem quá mức sẽ gây suy dinh dưỡng và có thể làm cho bệnh lâu hồi phục hoặc làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Dinh dưỡng hợp lý trong các bệnh về gan là thực hiện một chế độ ăn uống cân đối giữa các thành phần chất đường, chất béo, chất đạm và rau quả tươi. Ngoài ra, cần phải phối hợp các biện pháp nghỉ ngơi, làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho hợp lý để tăng cường sức lực, chống chọi với bệnh tật và làm cho bệnh mau hồi phục.
I. DINH DƯỠNG CỦA MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG KHỎE MẠNH:
Mục tiêu chính của vấn đề dinh dưỡng là:
1. Giữ được cân bằng về dinh dưỡng, nghĩa là năng lượng cung cấp do ăn uống phải bằng với năng lượng bị tiêu hao do các hoạt động thể lực. Đừng ăn ít hơn hoặc nhiều hơn nhu cầu cần thiết của cơ thể. Người mập quá thì nên giảm cân, người ốm quá thì nên tăng cân.
2. Cung cấp cho cơ thể những chất bổ dưỡng và khoáng chất cần thiết.
Nhu cầu trung bình về năng lương cần thiết cho một người khỏe mạnh là 30-35Kcal cho mỗi kí lô cân nặng cơ thể trong mỗi ngày. Tùy theo tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và các hoạt động thể lực hằng ngày mà điều chỉnh nhu cầu này sao cho thích hợp. Ví dụ một người nặng 60 kg, chỉ làm việc văn phòng có nhu cầu năng lượng mỗi ngày là: 30 Kcal X 60 = 1800 Kcal.
Từ nhu cầu năng lượng cần thiết này, chúng ta phải lựa chọn các thực phẩm như thế nào sao cho cân đối về các thành phần chất đạm, chất đường và chất béo cũng như các vitamin và khoáng chất tùy theo nhu cầu phát triển bình thường của cơ thể:
 - Về chất đạm, ta cần khoảng 1-1,5g có một ki lô cân nặng cơ thể mỗi ngày (chiếm khoảng 12-16% tổng năng lượng cho mỗi ngày). Ví dụ một người nặng 60kg thì cần khoảng 60-90g chất đạm mỗi ngày. Cần lưu ý rằng chất đạm từ động vật (thịt, trứng) thường kèm theo chất béo cho nên chúng ta chỉ nên tính phần thịt nạc.
 - 1g chất béo cung cấp 9Kcal trong khi đó 1g chất đường hay 1g chất đạm chỉ cung cấp 4Kcal nhưng nên dùng càng ít chất béo càng tốt, nhất là không dùng quá nhiều mỡ động vật hoặc các sản phẩm chế biến từ sữa động vật như bơ, phô mai... Dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hoa hướng dương, dầu đậu nành... có ít nhất cholesterol hơn. Nhu cầu chất béo mỗi ngày không nên vượt quá 30% tổng năng lượng cần thiết.
 - Người Việt Nam của chúng ta có thói quen ăn cơm và chất bột là chủ yếu cho nên nhu cầu chất bột đường là vào khoảng 220-250g/ngày (chiếm 55-60% năng lượng toàn phần mỗi ngày). Chất bột được cung cấp từ gạo, nếp, bột mì, ngũ cốc, các loại đậu, củ, khoai... là những chất đường hấp thu chậm. Còn chất đường từ đường mía, mật, chè, bánh kẹo, nước ngọt giải khát... là những loại đường hấp thu nhanh sau khi ăn.
Ngoài ra, mỗi ngày chúng ta cũng nên ăn thêm khoảng 20-30g chất xơ sợi có trong rau quả tươi. Chất xơ sợi giúp tránh táo bón, lại cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể nói chung và cho gan nói riêng.
Cũng cần lưu ý rằng các loại thức uống đôi khi cũng đóng góp một phần không nhỏ vào năng lượng hằng ngày. Nếu uống nước lọc hoặc nước khoáng chỉ cung cấp nước mà không có thêm năng lượng, còn các loại nước ngọt, nước trái cây ngọt thì năng lượng cung cấp tùy theo lượng đường chứa đựng bên trong. Đặc biệt, rượu có năng lượng rất cao ( g cồn có đến 7 Kcal) nhưng cơ thể không sử dụng được năng lượng này cho nhu cầu dinh dưỡng.
Năng lượng trong ngày cũng cần được phân bố cân đối theo các bữa ăn tùy vào nhu cầu làm việc, sinh hoạt của từng người. Thông thường, người ta chia năng lượng này theo tỉ lệ như sau:
 - Ăn sáng: 20%
 - Ăn trưa : 4%
 - Ăn chiều: 35%
 - Ăn giữa các bữa: 5%
Chúng ta cũng cần biết rằng thực phẩm mà ta ăn hằng ngày chứa đựng các thành phần chất đạm, chất đường, chất béo, vitamin và khoáng chất theo những tỉ lệ khác nhau. Không có một thực phẩm nào chứa đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết mà các thực phẩm phải bổ sung cho nhau. Do đó, không nên ăn kiêng cữ quá mức hoặc chỉ ăn một thứ thức ăn này mà loại bỏ hoàn toàn một loại thức ăn kia. Vì như thế sẽ làm cho cơ thể thiếu hụt một vài thành phần dinh dưỡng cần thiết và nhiều khi lại làm phát sinh ra một bệnh mới.
Thông thường, thức ăn được chia làm 7 nhóm trong Tháp dinh dưỡng.
Để tiện việc tính toán, ngưới ta lại chia các nhóm thức ăn theo đơn vị phần mà các loại thức ăn đó cung cấp 1 lượng Calo nhất định, ví dụ trong cùng 1 nhóm lương thực cơ bản thì một “phần” gạo (cân nặng 29g) và một “phần” bún (cân nặng 89.5g) đều cung cấp một lượng Calo nhất định là 100Kcal. Các loại thức ăn trong cùng một nhóm có thể hoán đổi với nhau, ví dụ hôm nay ta ăn một “phần” gạo, ngày mai ta ăn một  “phần” bún vẫn có giá trị dinh dưỡng như nhau.
Cần chú ý, có một số loại thực phẩm thì cân lượng của mỗi phần có khác biệt với cân lượng thực tế, ví dụ như một phần cá thu là 20g nhưng thực tế ta phải mua 55.5g cá vì phải trừ bỏ xương và phần đầu, đuôi cá...
II. DINH DƯỠNG TRONG VIÊM GAN CẤP
Trong viêm gan cấp, tế bào gan bị hư hại cấp tính. Các hoạt động bình thường của gan có thể bị xáo trộn, thường biểu hiện trên lâm sàng bằng các triệu chứng: mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa như chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy nhất là hay bị buồn nôn và ói mửa.
Trong điều trị viêm gan cấp, chủ yếu là áp dụng 1 chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Không cần thiết phải kiêng ăn quá mức mà ngược lại còn phải ăn đầy đủ các chất và năng lượng. Năng lượng này rất cần thiết để gan hồi phục nhanh và cơ mau lấy lại sức.
Nguyên tắc thiết lập chế độ ăn trong viêm gan cấp là:
1. Cung cấp đầy đủ chất đạm như một người bình thường. Nên dùng một loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, thịt bò, thịt heo, thịt gà nạc, sữa tách bơ, cá nạc, đậu hũ. Tuy nhiên, nếu bị viêm gan quá nặng, bắt đầu có những triệu chứng vật vã, lơ mơ thì lượng chất đạm vượt quá 0.6-0.8g cho mỗi  kí lô cân nặng trong mỗi ngày. Nếu ăn nhiều hơi thì gan sẽ không “tiêu hóa” nổi. Các chất như amoniac (NH3) sinh ra từ các chất đạm dư này không được gan đào thải, chúng sẽ tích tụ làm ảnh hưởng đến hoạt động của não.
2. Tăng chất bột-đường dễ hấp thu như gạo, ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Vì vậy, bệnh nhân thường được khuyên ăn bằng trái cây ngọt như chuối.
3. Nên giảm bớt chứ không cữ hoàn toàn các chất béo như mỡ, bơ, dầu. Không ăn các thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng heo, lòng bò, lòng đỏ trứng vì sự bài tiết mật có thể bị giảm hoặc bế tắc nên không tiêu hóa hết các chất béo. Chất béo chỉ sử dụng độ 10% tổng năng lượng tức là khoảng 15g/ ngày.
4. Ăn nhiều rau quả sẽ cung cấp khoáng chất và các vitamin như vitamin A, B, C , E... cần thiết cho các hoạt động bình thường của gan.
5. Bỏ hẳn rượu bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc vì có một số thuốc có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, thuốc giảm đau-kháng viêm, ngay cả paracetamol (Acemol, panadol...). Khi cần sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào nên hỏi ý kiến của bác sĩ chứ không tự tiện mua ở các nhà thuốc tây vì bệnh nhân sẽ  không  rõ thuốc nào sẽ có độc hại cho gan.
6. Ở những bệnh nhân bị ói mửa liên tục hoặc tiêu chảy nhiều, cần được nhập việc để “vô” nước biển (truyền dịch) và nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch. Nếu chỉ buốn nôn nhẹ thì không cần nhập viện. Nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn từng ít một đừng ăn một lần quá no. Phần thức ăn nhiều nên ăn vào buổi sáng để tránh tình trạng đầy bụng và dễ nôn sau khi ăn. Khi gan hồi phục lại hoàn toàn, có thể trở lại ăn uống như bình thường.
III. DINH DƯỠNG TRONG GAN MÃN
Khi gan bị viêm mãn tính, đa số các trường hợp không có triệu chứng, bệnh nhân cảm thấy bình thường mặc dù gan có thể bị hư hại ngày một nặng hơn. Một số bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém đi.
Chế độ ăn uống vẫn phải cân đối giữa các chất đường, đạm, béo...và cung cấp đầy đủ năng lượng. Ăn uống đầy đủ chất là năng lượng sẽ giúp cho bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn và cơ thể mới có đủ sức để chống chọi với tình trạng nhiễm trùng cũng như các tác dụng phụ do việc điều trị gây ra. Khi việc ăn uống, tiêu hóa vẫn còn bình thường và nhất là chưa bị sưng phù, bệnh nhân không cần thiết phải kiêng ăn quá mức ví dụ như không dám ăn trứng hay nêm nếm thức ăn quá lạt. Chính vì ăn kiêng quá mức và nhất là thức ăn quá nhạt nhẽo sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy chán ăn. Ăn uống sẽ càng làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức để hoạt động và cũng làm cho bệnh gan bị nặng hơn. Tuy nhiên, cũng cần hạn chế bớt các thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ gây khó tiêu. Nên chọn các loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao mà “dễ tiêu” như đậu nành, đậu hũ...Ở những bệnh nhân bệnh gan mãn tính, khả năng dự trữ chất glycogen (là một loại đường được dữ trữ ở gan) sẽ bị giảm cho nên cần cung cấp điều đặn chất đường-bột như bánh, trái cây ngọt; nếu không, bệnh nhân dễ có những cơn mệt lã, vã mồ hôi do giảm lượng đường trong máu.
Dù bệnh gan mãn tình do bất kỳ nguyên nhân nào, bệnh nhân cũng không nên uống rượu bia nhiều vì sẽ làm cho bệnh gan bị nặng hơn. Bệnh nhân có thể uống mỗi ngày một viên thuốc bổ (multivitamin) để cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của gan. Nếu viêm gan mãn tính do nghiện rượu, cần phải bổ sung thêm các vitamin nhóm B và axít folic.
IV. DINH DƯỠNG TRONG BỆNH GAN CÓ VÀNG DA TẮC MẬT
Khi bệnh nhân bị vàng da do tắc mật kéo dài, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy và phân sẽ có ván mỡ do mật không được bài tiết xuống ruột đầy đủ để tiêu hóa chất mỡ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị thiếu các vitamin được hấp thu cùng với chất mỡ như vitamin A (thiếu sẽ gây bệnh quáng gà và khô mắt), vitamin D (thiếu sẽ gây bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh loãng xương ở người lớn), vitamin K (thiếu sẽ dễ bị chảy máu do thiếu các chất giúp đông máu), vitamin E (cần cho sự chống lão hóa và cấu tạo cho các tế bào cơ thể).
Khi có tắc mật, nhất thiết phải hạn chế các chất mỡ động vật. Dầu đậu nành có thể dễ tiêu hơn trong trường hợp có tắc mật, dĩ nhiên nó cũng không thể cung cấp đấy đủ các chất béo cần thiết cho cơ thể. Mỗi tháng, bệnh nhân cần được tiêm bắp các loại vitamin tan trong mỡ như vitamin K1: 10mg, vitamin A: 10mg (10.000UI), vitamin D: 0.25mg (10.000UI). Tình trạng tắc mật nặng và kéo dài có thể gây ngứa khắp người, lúc đó bệnh nhân có thể uống thêm cholesteyramine (Questran) để giảm bớt ngứa.
V. DINH DƯỠNG TRONG XƠ GAN
Khi đã bị xơ gan thì khả năng hoạt động của gan đã suy giảm đi rất nhiều. Gan không còn cung cấp cho cơ thể đầy đủ những chất cần thiết cũng như không thể loại bỏ các chất độc, chất cặn bã trong người. Người bị xơ gan cảm thấy uể oải, thiếu sinh lực, dễ bị sưng phù và nước có thể bị ứ lại trong bụng làm cho bụng to ra mà người ta gọi đó là bị bụng báng hay cổ trướng. Bệnh nhân xơ gan thường có cảm giác ăn không ngon, bụng không thấy đói, phần vì ăn không tiêu, phần vì mùi vị thức ăn thơm ngon xưa kia nay trở nên khó chịu, dễ buồn nôn, lại thêm kiêng cử không đúng cách nên họ rất dễ bị suy dinh dưỡng. Khi ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng, cơ thể buộc phải tiêu hao dần các chất đạm từ các cơ bắp thịt và sử dụng hết các nguồn dự trữ năng lượng. Do đó, bệnh nhân càng bị sụt cân, cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức và các hoạt động của gan cũng bị xáo trộn nặng hơn. Nếu gan bị suy trầm trọng, nó không thể thải và khử được các chất độc cho não, và có thể làm cho bệnh nhân bị vật vã, lơ mơ và hôn  mê.
Chế độ dinh dưỡng của 1 người xơ gan cũng vẫn phải đảm bảo sự cân đối giữa các thành phần chất đường, chất đạm, chất béo và rau quả tươi. Nhưng vì gan không còn hoạt động đúng mức nữa nên cần phải lưu ý một điểm quan trọng sau đây:
1. Bệnh nhân bị cổ trướng phải hạn chế muối và tất cả các thức ăn có vị mặn. Nêm nếm thức ăn hơi lạc một chút. Một cách đơn giản là đừng chấm thêm nước tương, nước mắm hoặc rắc thêm muối vào thức ăn đã bày sẵn trên bàn. Lượng muối natri không được vượt quá 1g mỗi ngày; tương đương khoảng 2.5g muối ăn (nghĩa là khoảng 1 muỗng cà phê muối). Không nên ăn các loại mắm, các loại khô vì chứa nhiều muối. Hạn chế những thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn và những thức ăn bán ngoài tiệm vì có  chứa nhiều bột ngọt. Nên nhớ rằng bột ngọt cũng chứa nhiều muối natri. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải uống thêm thuốc lợi tiểu hoặc uống các nước “mát” như nước râu bắp, râu mèo cũng có tác dụng lợi tiểu để thải bớt lượng muối thừa khỏi cơ thể.
2. Nước uống thường cần khoảng 1–1.5 lít mỗi ngày (bao gồm nước lọc, nước trái cây, sữa...)
3. Nên tránh ăn mỡ động vật, bơ, shortening hay thay bằng dầu hoặc bơ thực vật.
4. Về chất đạm: người xơ gan có nhu cầu đạm như người bình thường nhưng càng hạn chế các chất đạm từ động vật mà nên dùng đạm thực vật như đậu nành, đậu hũ sẽ dễ tiêu hóa hơn. Nếu không được hướng dẫn đúng cách, người bệnh thường có khuynh hướng kiêng ăn thái quá, sẽ dễ bị suy dinh dưỡng và ăn uống không đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể. Họ có thể ăn từ 40–60g chất đạm từ thực vật mỗi ngày. Khi có suy gan nặng hoặc lơ mơ hay hôn mê thì cần phải ngưng đạm hoàn toàn.
5. Chất bột-đường cần được cung cấp đầy đủ để đảm bảo năng lượng cần thiết và tránh những cơn hạ đường huyết do giảm khả năng dự trữ glycogen.
6. Rau và trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ăn nhiều rau tươi còn có lợi điểm là tránh táo bón. Người bị xơ gan không nên để bị táo bón thường xuyên vì sẽ làm ứ động chất urê trong ruột dễ làm tan chất amoniac trong máu. Trung bình họ cầ đi cầu ít nhất 2 – 3 lần mỗi ngày, có thể dùng thuốc nhuận trường dành riêng cho người bị xô gan như  lactulose (Duphalac), lactitol (Imphortal). Người ta nhận thấy yaourt và sữa hoạt chất men Lactobacillus acidophilus nếu dùng đúng cách có thể hóa giải được chất amoniac trong phân.
7. Tuyệt đối không được uống rượu sẽ làm cho gan bị hư hại nặng hơn. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các chất kích thích như cà phê, trà. Không nên ăn các thức ăn hoặc uống các thức uống quá chua, cay vì bệnh nhân xơ gan hay kèm theo bị viêm dạ dày cho nên dễ bị xót ruột và ăn khó tiêu.
8. Nên chọn lựa thức ăn hợp với khẩu vị của mình. Không nên cưỡng ép bệnh nhân ăn uống những thực phẩm không hợp với cơ thể ví dụ như uống các loại sữa có giá trị dinh dưỡng cao để rồi sau đó bị sình bụng suốt ngày và không ăn uống gì được nữa. Để tránh buồn nôn hoặc ăn được ngon miệng hơn, nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Mỗi lần 1 ít, nên ăn nhiều vào buổi sáng. Một ít bánh lạt, 1 ít nước ngọt có thể làm thuyên giảm triệu chứng buồn nôn khó chịu, hoặc lợm giọng.
9. Nghỉ ngơi và tránh các lao động nặng nhọc: bệnh nhân vẫn làm các công việc bình thường  hàng ngày của mình nhưng đừng gắng sức. Nếu bụng quá to do có nhiều nước thì nên nằm nghỉ vì sẽ giúp cho bệnh nhân lọc tốt hơn và giúp đi tiểu được nhiều hơn. Các hoạt động thể lực vừa phải không làm ảnh hưởng đến diễn tiến của bệnh.
VI. DINH DƯỠNG TRONG GAN NHIỄM MỠ
Gan nhiễm mỡ là một biểu hiện do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì vậy, trước tiên là phải biết do nguyên nhân gì thì trị đúng nguyên nhân đó mới có thể khỏi được. Cũng cần lưu ý rằng, gan nhiễm mỡ không hẵn là do mỡ trong máu cao gây ra, cho nên  không phải cứ thấy gan nhiễm mỡ là phải dùng thuốc làm “tan mỡ” trong máu.
1. Gan nhiễm mỡ do uống rượu bia nhiều và thường xuyên thì khi ngưng rượu bia hoàn toàn, bệnh có thể hồi phục mà không cần phải dùng một thứ thuốc men nào cả. Có chăng là nên uống thêm các thuốc bổ đa sinh tố nhất là vitamin B1, axít folic vì khi uống rượu lâu ngày sẽ làm tiêu hao các vitamin này.
2. Gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc thừa cân thì biện pháp tốt nhất là tiết chế ăn uống sao cho giảm cân và đạt được cân nặng “lý tưởng”. Ông bà ta có câu: “Vòng bụng càng dài thì vòng đời càng ngắn” cho nên muốn sống khỏe mạnh thì tốt nhất là đừng để thừa cân. Có nhiều cách tính cân nặng “hợp lý” cần đạt được. Sau đây, chúng tôi đề nghị một cách đơn giản nhất dựa trên công thức tính chỉ số khối của cơ thể (BMI=Body Mass Index): cân nặng=[ chiều cao(m)]2 x22.
Ví dụ một người cao 1.6m thì nên có cân nặng là: [1.6 m]2x 22 = 56.3kg, tức là nằm trong giới hạn 56-57kg.
Nhu cầu năng lượng cũng phải giảm còn 20Kcal/kg cân nặng mỗi ngày. Đến khi đạt được cân nặng “hợp lý”, chúng ta sẽ điều chỉnh lại theo nhu cần làm việc tiêu chuẩn.
Việc áp dụng một chế độ ăn kiêng như thế không phải là dễ vì chúng ta thường xuyên bị "cám dỗ” bởi nhiều “của ngon, vật lạ” và khi buộc phải thay đổi một thói quen ăn uống cũng sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Thêm vào đó, việc giảm cân không thể thực hiện “một sớm, một chiều” mà được, cho nên chế độ ăn uống cần phải áp dụng một cách kiên trì và bền bỉ. Do vậy, vấn đề cơ bản của bệnh nhân khi tuân theo chế độ tiết chế là không nên áp dụng quá cứng nhắc và cưỡng ép quá mức. Nên xây dựng các món ăn từ các thức ăn thường dùng hàng ngày của bệnh nhân nhưng sẽ gia giảm cho phù hợp. Đầu tiên là giảm dần dần số chén cơm mỗi bữa và ăn “độn” thêm rau quả tươi. Ở giữa các bữa ăn, nếu có cảm giác đói thì có thể ăn thêm một ít trái cây không ngọt lắm như táo, lê, thanh long, cam, củ sắn... hoặc ăn một chút yaourt không ngọt hay uống một ly sữa đậu nành không đường. Bệnh nhân nên có ý thức việc giảm chất ngọt và chất béo vì các chất này nếu thừa sẽ được gan chuyển đổi thành mỡ dự trữ. Hạn chế các loại thức ăn nhanh (fast-food) hoặc ăn uống ở các tiệm ăn, nhà hàng vì có chứa nhiều chất dầu mỡ. Khi chế biến thức ăn, nên hạn chế các món chiên xào mà thay bằng thức ăn nướng hoặc luộc hoặc sử dụng các nồi, chảo không dính để tránh phải dùng dầu mỡ.
Không nên uống rượu bia vì sẽ làm tăng chất mỡ triglycerides trong cơ thể. Tùy theo lượng mỡ trong máu có cao hay không mà có thể kết hợp dùng các thuốc làm giảm mỡ trong máu. Khi lượng mỡ trong máu cao thì cần lưu ý các điểm sau đây:
 - Ăn toàn thịt nạc, lạng bỏ hết mỡ. Với thịt heo, vịt, gà thì không nên ăn da.
 - Không dùng các thịt chế biến như lạp xưởng, xúc xích vì có nhiều mỡ.
 - Dùng thêm cá và hải sản như tôm, cua biển nhưng không nên ăn quá một lần/ tuần.
 - Trứng chỉ nên ăn 2-3 quả trong 1 tuần.
 - Tránh các loại thức ăn chế biến từ gan, óc, cật, bộ đồ lòng của gia súc hoặc từ sữa động vật như bơ, phô mai.
 - Các đồ ngọt như bánh kẹo, mật, đường mía, nước ngọt giải khát như coca, pepsi... cũng phải hạn chế. Tốt nhất thì nên uống nước lọc, nước khoáng hoặc nước trà vì không cung cấp thêm năng lượng.
 - Ăn nhiều rau, trái cây và các thức ăn có chứa chất xơ sợi hoặc các thức ăn không chứa năng lượng như các loại tảo, rong biển, nấm.
Tuyệt đối không được nhịn ăn để rồi bị mệt lã và không còn sức để làm việc trong ngày, thậm chí có những bệnh nhân không chịu nỗi buộc phải “ ăn bù” vào ngày hôm sau. Thật ra, việc giảm cân từ từ vẫn tốt hơn là giảm nhanh và đột ngột và sau đó lại tăng cân vọt lên hơn trước(!).
Ngoài ra, muốn giảm cân hiệu quả cần phải kết hợp một chương trình vận động và tập luyện thể dục như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập thể dục nhịp điệu... để tiêu bớt lượng mỡ thừa và tăng cường lượng cơ bắp cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên tập luyện quá sức vì sẽ làm cơ thể đòi hỏi một nhu cầu năng lượng cao hơn. Do đó nhiếu người càng chơi thể thao, càng ăn nhiều và hậu quả là vẫn tăng cân.
3. Gan nhiễm mỡ do tiểu đường, đa số trường hợp là có béo phì và có tăng chất mỡ trong máu. Vì vậy, chế độ ăn của người bị tiểu đường có béo phì cũng gần tương tự như chế độ ăn để chống thừa cân như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn là kiểm soát tốt đường huyết thì mới giải quyết được gan nhiễm mỡ.
Nói tóm lại, muốn thực hiện đúng cách vấn đề dinh dưỡng nhiều khi rất khó. Chủ yếu là dựa vào ý thức và ý chí của người bệnh có quyết tâm thực hiện hay không. Nhất là phải áp dụng hợp lý một chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách kiên trì và bền bỉ. Nếu chỉ áp dụng nhất thời trong một giai đoạn thì không mang lại kết quả gì. Không nên ăn uống cho “sướng miệng” để rồi phải “cực nhọc” hoặc nhiều khi phải hao tốn tiền của để làm tiêu các chất đã ăn vào.
VII. MỘT SỐ LƯU Ý ĐẶC BIỆT
1. Rượu, bia và bệnh gan:
Rượu và bia là các độc chất trực tiếp của gan. Nói chung, khi bị bệnh gan thì nên bỏ hẳn rượu. Nếu là gan bị nhiễm mỡ do rượu, khi ngưng rượu hoàn toàn thì gan có thể phục hồi một cách ngoạn mục mà không cần một thứ thuốc men gì cả. Trong viêm gan siêu vi C mãn tính, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng rượu làm cho tình trạng xơ hóa ở gan xảy ra nhanh hơn và nặng nề hơn. Còn khi đã bị xơ gan rồi mà đặc biệt là xơ gan do rượu, nếu ngưng rượu kịp thời cũng sẽ hạn chế tiến trình xơ hóa ở gan. Ngược lại, rượu sẽ nhanh chóng làm cho gan bị suy yếu nặng hơn.
2. Chất sắt và bệnh gan:
Trong cơ thể, gan là nơi dự trữ nhiều chất sắt. Ở những bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C mãn tính hoặc bị bệnh dư chất sắt (Hemochromatosis) hoặc nếu thử máu mà thấy lượng sắt hoặc chất Ferritin tăng cao trong máu, bệnh nhân phải hạn chế các thuốc “bổ máu” có chất sắt như Tot’hema, Tardyferon...; không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như thịt bò, tim, bộ đồ lòng và nhất là da gà, heo, bò...thậm chí các loại thực vật như rau dền, mè...cũng phải hạn chế vì có nhiều chất sắt. Nên tránh nấu ăn bằng nồi làm bằng sắt, cũng như tránh dự trữ thức ăn trong những hộp bằng kim loại... Khi quá nhiều chất sắt có thể làm cho gan bị hư hại nhiều hơn và có thể làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị bằng Interferon ở bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C mãn tính.

1 nhận xét:

NẤM LINH CHI RỪNG DAKLAK nói...

Đừng quên, ghé website mình, để xem những thông tin hữu ích nhé!
mua đậu đen xanh lòng ở đâu tại TPHCM hoặc mua dau den xanh long o dau tai TPHCM