Pages

bảo vệ lá gan


Menu

2/10/15

BỆNH GAN VÀ THAI NGHÉN

Mặc dù vấn đề thai nghén là tình trạng sinh lý tự nhiên nhưng việc có thai rồi sinh con đẻ cái không phải lúc nào cũng diễn ra thuận buồn xuôi gió. Các cơ quan nội tạng của người mẹ đặc biệt là tim, gan, phổi, thận... phải đảm nhiệm thêm trọng trách vì thai nhi đang phát triển thông qua cơ thể người mẹ. Chương này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối liên quan giữa gan và vấn đề thai nghén cùng những bệnh lý gan phát sinh trong thai kỳ. Một số bệnh gan xảy đến ngẫu nhiên trùng hợp vào lúc bệnh nhân đang mang thai nhưng cũng có một số bệnh gan chỉ xảy ra trên một người mang thai mà thôi; nghĩa là những bệnh gan này không bao giờ xảy đến cho người không mang thai. Một số bệnh gan khác lại do lây truyền từ mẹ sang con.
I. THAI NGHÉN SẼ ÀNH HƯỞNG TRÊN GAN NGƯỜI MẸ NHƯ THẾ NÀO? VIỆC MANG THAI CÓ LÀM CHO CHỨC NĂNG GAN BỊ THAI ĐỔI HAY KHÔNG? 

Một người phụ nữ khỏe mạnh khi đang mang thai, hoạt động của gan sẽ có một vài thay đổi nhỏ không quan trọng. Ví dụ như khi xét nghiệm chất đạm albumin trong máu sẽ giảm trong suốt thai kỳ do máu của mẹ bị loãng hơn bình thường. Một xét nghiệm khác là nồng độ chất alkaline phosphatase trong máu người mẹ sẽ gia tăng do lá nhau cũng tiết ra chất này. Mặc dù đây là những xét nghiệm chỉ dẫn trong trường hợp gan bị bệnh, nhưng khi có thai, những thay đổi riêng lẻ của các xét nghiệm này sẽ không có ý nghĩa bệnh lý mà cần phải cân nhắc và phối hợp thêm các xét nghiệm khác mới có thể xác định có bệnh hay không. 

II. GAN CỦA THAI NHI SẼ PHÁT TRIỂN QUA NHỮNG GIAI ĐOẠN NÀO VÀ VÀO LÚC NÀO THÌ GAN CỦA THAI NHI BẮT ĐẦU HOẠT ĐỘNG? 

Gan của thai nhi được thành lập rất sớm, vào khoảng tuần thứ ba của thai kỳ. Tuy vậy, khoảng tuần thứ sáu đến tuần thứ mười thì gan mới bắt đầu hoạt động. Các hoạt động của gan tiếp tục được hoàn chỉnh dần trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ, riêng khả năng xử lý một số hợp chất như sắc tố mật bilirubin và các axít mật thì vẫn chưa hoàn chỉnh thậm chí cho đến khi đứa bé đã ra đời. Vì vậy, một tuần lễ đầu sau sinh, trẻ có thể bị vàng da nhẹ do gan chưa xử lý tốt các chất bilirubin làm chất này tăng nhẹ trong máu nhưng sau đó chừng mươi ngày, gan sẽ hoạt động hoàn chỉnh hơn nên vàng da sẽ hết đi và người ta gọi đó là tình trạng vàng da sinh lý. Khi trẻ được 6-12 tháng tuổi gan của trẻ sẽ hoạt động tương tự như gan của người lớn. 

III. TẠI SAO MỘT SỐ PHỤ NỮ KHI MANG THAI LẠI BỊ NGỨA VÀ VÀNG DA? 

Trong suốt thai kỳ, một số phụ nữ mang thai có triệu chứng ngứa và vàng da. Điều này là do chất mật bị ứ lại trong máu rồi ngấm vào da. Nguyên nhân làm cho mật bị ứ đọng lại là do khi mang thai, chất nội tiết tố estrogen được tiết ra nhiều hơn và chất này làm thay đổi khả năng bài tiết túi mật và sắc tố mật bilirubin. Những người bị ngứa và vàng da trong lúc mang thai thường có “gốc di truyền” quá nhạy cảm với estrogen. Thậm chí những người này nếu dùng thuốc ngừa thai dạng uống có chứa estrogen cũng sẽ bị vàng da và ngứa tương tự như trên. Triệu chứng ngứa thường xuất hiện đầu tiên ở lòng bàn tay, bàn chân rồi sau đó lan đến các chỗ khác. Nếu bị vàng da nhẹ hoặc trung bình thì không có gì nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi. Tuy vậy, trong một số trường hợp, thai nhi có thể bị yếu, nguy cơ bị sinh non và có một tỉ lệ nhỏ, thai sẽ bị chết sớm ở trong bụng mẹ hoặc chết lúc mới sinh. 

IV. THUỐC NGỪA THAI CÓ TÁC DỤNG PHỤ TRÊN GAN HAY KHÔNG? 

Ở đa số phụ nữ, thuốc ngừa thai có rất ít tác dụng phụ trên gan. Tuy vậy, một tỉ lệ rất thấp các phụ nữ khi dùng thuốc ngừa thai có thể làm phát sinh một loại u ở gan gọi là u tuyến tế bào gan (adenoma). Đây là một khối u hiếm gặp và lành tính, nghĩa là không phải ung thư gan. Khối u này chỉ nằm ở gan và không lan ra ngoài gan nhưng nếu khi u có khích thước quá lớn, nó có thể bị vỡ và gây chảy máu. Như vậy, thuốc ngừa thai dạng uống không nên dùng cho những phụ nữ đang bị khối u tuyến này. Thuốc ngừa thai dạng uống cũng có thể gây ngứa và vàng da do bị ứ mật thường gặp ở những người có “gốc di truyền” quá nhạy cảm với chất estrogen. Mặc dù estrogen là một nội tiết tố sinh dục của phái nữ nhưng ở nồng độ cao, nó có thể can thiệp vào việc bài tiết mật của gan. Những phụ nữ nào uống thuốc ngừa thai mà bị ứ mật do chất estrogen thì cần phải ngưng dùng thuốc và sử dụng các biện pháp ngừa thai khác. 

V. CÓ NÊN XÉT NGHIỆM TÌM SIÊU VI B VÀ SIÊU VI C CHO NHỮNG PHỤ NỮ MANG THAI? 

Hiện nay, người ta khuyên nếu có điều kiện thì những phụ nữ mang thai nên làm xét nghiệm tìm siêu vi viêm gan B vào tháng thứ hai hoặc thứ ba cuối thai kỳ. Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi B có nguy cơ rất cao sẽ bị lây nhiễm siêu vi này ngay lúc sau sinh nhất là những bà mẹ có xét nghiệm HBeAg dương tính. Những biện pháp phòng chống lây nhiễm cho đứa bé bao gồm chủng ngừa ngay lập tức trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; và nếu có điều kiện thì nên đồng thời chích thêm cho trẻ chất gammaglobulin đặc được gọi là HPIG tức là kháng thể kháng siêu vi B được điều chế sẵn để giúp bảo vệ cho trẻ tức thì. Khoảng 90-95% trẻ em sẽ tránh được nguy cơ lây bệnh và sẽ có khả năng đề kháng với bệnh lâu dài. Tuy nhiên, chất HPIG hiện chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và giá cả còn đắt, nhưng việc chủng ngừa siêu vi B đơn thuần vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ cho trẻ với điều kiện là phải cho trẻ tiêm chủng càng sớm càng tốt và đảm bảo tiêm đủ liều lượng, đúng thời gian. Những trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi viêm gan C thì ít có nguy cơ bị lây nhiễm hơn mặc dù việc lây truyền bệnh vẫn có thể xảy ra. Hiện nay do chưa có thuốc chủng ngừa siêu vi C nên người ta không đề nghị làm xét nghiệm tìm siêu vi C ở các bà mẹ mang thai. 

VI. NHỮNG NGƯỜI BỊ VIÊM GAN SIÊU VI B HOẶC C CÓ ĐƯỢC PHÉP MANG THAI HAY KHÔNG? 

Việc mang thai không phải là điều cấm kỵ ở những phụ nữ bị viêm gan siêu vi B và C. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy siêu vi B có thể lây nhiễm cho thai nhi khi còn trong bụng mẹ nhưng tỉ lệ này chỉ vào khoảng 5-10%. Việc lây nhiễm chủ yếu xảy ra trong lúc sinh và ngay sau sinh. Hiện nay, đối với siêu vi B đã có thuốc chủng ngừa cho trẻ em; còn đối với siêu vi C thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con cũng rất thấp, chỉ vào khảng 3%; và chưa có thuốc chủng ngừa. Tuy vậy, những đứa con của các bà mẹ bị nhiễm siêu vi B hoặc C cần được theo dõi kỹ để phát hiện sớm tình trạng lây nhiễm để có hướng xử lý thích hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể. 

VII. NẾU MẸ KHÔNG BỊ NHIỄM SIÊU VI VIÊM GAN THÌ CÓ NÊN CHỦNG NGỪA CHO EM BÉ KHÔNG? 

Nếu mẹ không bị nhiễm siêu vi B nhưng các thành viên khác trong gia đình bị nhiễm siêu vi B, trẻ nên được chủng ngừa càng sớm còn tốt. Hiện nay, người ta khuyên rằng nên chủng ngừa cho tất cả trẻ em, bởi vì bệnh viêm gan siêu vi B là một bệnh có thể xày ra bất cứ lúc nào và là một bệnh có thể phòng ngừa được. Ở nước ta hiện nay, việc chủng ngừa viêm gan siêu vi B đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên trong tương lai tỉ lệ người mang siêu vi B sẽ giảm đi rất nhiều 

VIII. NHỮNG BÀ MẸ BỊ NHIỄM SIÊU VI B HOẶC C CÓ THỂ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ HAY KHÔNG? 

Những bà mẹ bị nhiễm siêu vi B có thể nuôi con bằng sữa mẹ vì sau khi chủng ngừa, trẻ được bảo vệ. Còn siêu vi C, người ta không biết bệnh này có lây truyền qua sữa mẹ hay không, nhưng nếu có thì nguy cơ cũng rất thấp. Do vậy, khi so sánh với lợi ích sữa mẹ, các nhà y học cũng không cấm đoán việc nuôi con bằng sữa mẹ ở những bà mẹ bị viêm gan siêu vi. 

IX. NGƯỜI ĐÃ BỊ XƠ GAN CÓ THỂ MANG THAI ĐƯỢC HAY KHÔNG? 

Những người bị xơ gan vẫn có thể mang thai. Mặc dù vậy, những người này khó có khả năng thụ thai như người bình thường. Nhiều khi người bệnh tới khám sản khoa vì bị sẩy thai liên tiếp, đến lúc làm xét nghiệm mới phát hiện thì có xơ gan. Cũng không ít trường hợp trước khi có thai, bệnh nhân không biết mình bị xơ gan vì họ hoàn toàn không cảm thấy trục trặc gì. Đó là do phần gan còn lại đã “làm bù” công việc cho phần gan đã bị xơ cho nên các dấu hiệu suy giảm chức năng gan không được bộc lộ ra bên ngoài. Đến khi mang thai, gan càng ngày càng bị bất lợi hơn vì nó sẽ chịu thêm “gánh nặng” của thai nhi cho nên dần dần, gan không có khà năng tự bù trừ được nữa. Triệu chứng báo hiệu gan đã mất bù trừ đó là bụng bệnh nhân bắt đầu thấy to ra do có nước trong ổ bụng. Đa phần bệnh nhân lầm tưởng bụng to ra là do thai phát triển nên không quan tâm đến việc khám thai định kì. Khi mang thai, họ có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh bình thường nhưng người mẹ sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra các biến chứng của xơ gan trong suốt thai kì chẳng hạn như chức năng gan bị suy yếu nhanh hơn, vàng da vàng mắt chậm hơn thậm chí có thể ói ra máu do vỡ các tĩnh mạch ở thức quản hoặc bị lơ mơ rồi hôn mê do gan bị suy yếu trầm trọng... Đối với thai nhi, nhiều nguy cơ sẽ bị sanh non, sẩy thai và thai có thể bị chết từ trong bụng mẹ. Do vậy, việc đi khám và theo dõi thai định kì để phát hiện bệnh lý trong lúc mang thai là điều kiện hết sức cần thiết. Nếu phát hiện mình bị xơ gan mà chưa có con thì tùy theo tình trạng nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ có những lời khuyên thích hợp. Còn nếu đã đủ số con theo kế hoạch thì tốt nhất là nên áp dụng các biện pháp tránh thai, có thai sẽ là một gánh nặng thêm cho gan và thúc đẩy gan bị suy yếu nặng hơn, nhanh hơn. 

X. CÓ NHỮNG BỆNH GAN NÀO KHÁC CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SẢN PHỤ VÀ EM BÉ HAY KHÔNG? 

Những người bị bệnh viêm gan tự miễn tiến triển thường khó thụ thai hơn. Nếu mang thai, các phụ nữ viêm gan hoặc xơ gan do nguyên nhân tự miễn không được điều trị tốt có thể xảy ra nhiều biến chứng. Thai nhi có nguy cơ bị sanh non hoặc chết trong bụng mẹ. Như vậy, những người bị viêm gan tự miễn cần phải điều trị bệnh ổn định trước khi mang thai. Bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng prednisone, đó là một loại thuốc làm cho hệ thống miễn dịch bị yếu đi và bệnh nhân sẽ an toàn hơn trong suốt thai kỳ. Một bệnh khác cũng có thể làm cho người mẹ khó mang thai, dễ bị sảy thai tự nhiên, đó là bệnh Wilson. Đây là một bệnh di truyền làm cho cơ thể giữ lại quá nhiều chất đồng nên gây độc cho gan, não và những cơ quan khác. Nếu bà mẹ bị bệnh Wilson thì cần dùng thuốc để thải bớt chất đồng ra khỏi cơ thể cho đến khi bệnh ổn định. Khi bệnh được ổn định, bệnh nhân sẽ dễ mang thai hơn, ít biến chứng hơn trong thai kỳ và có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh. Ngoài những bệnh đã liệt kê trên, những người bị bệnh gan khác ít gặp hơn như xơ gan ứ mật nguyên phát, viêm đường mật nguyên phát, bệnh gan do rượu cũng cần phải lưu ý hơn khi mang thai. Nói chung, tất cả những người bị bệnh gan trong giai đoạn gan bị hư hại nặng và nhất là những người bị xơ gan thường dễ vô sinh. Những thai phụ này và con của họ sẽ có nhiều nguy cơ bị biến chứng trong suốt thai kỳ. Thêm vào đó, có 3 bệnh gan hiếm gặp nhưng gây ra nhiều biến chứng trầm trọng cho bà mẹ và em bé. Đó là bệnh ứ mật tại gan ở người mang thai, bệnh gan liên quan đến tình trạng nhiễm độc thai nghén hay còn gọi là tiền sản giật và bệnh gan thoái hóa mỡ cấp tính ở người phụ nữ mang thai.  
XI. BỆNH NHIỄM ĐỘC THAI NGHÉN LÀ GÌ? BỆNH NÀY ẢNH HƯỞNG ĐẾN GAN NHƯ THẾ NÀO? 

Bệnh nhiễm độc thai nghén hay còn được gọi là tiền sản giật là một bệnh lý chỉ xảy ra khi có thai, thường là sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhưng cũng có thể xảy ra sau khi sinh. Đây là một bệnh thường gặp ở những thai phụ con so, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau như thận, gan, thần kinh, thai nhi... Sản phụ thường bị huyết áp cao, đi tiểu ra chất đạm, phù hai chân. Vào khoảng 10% bệnh nhân bị nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật) gan sẽ bị ảnh hưởng. Cho đến nay, các nhà y học vẫn chưa thống nhất với nhau về nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp bệnh nhẹ, gan vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi làm xét nghiệm máu thì chức năng gan đã thay đổi. Nếu bệnh nặng hơn, phần lớn tế bào gan sẽ bị hư hại và bị phá hủy nên men gan tăng cao. Bệnh nhân có các triệu chứng giống như bệnh viêm gan cấp do viêu vi. Những trường hợp nặng, máu sẽ bị chảy vào trong gan và trong ổ bụng, thường dẫn đến tử vong. Khi có sản giật tức là tình trạng co giật xảy ra do nhiễm độc thai nghén, ngoài việc điều trị các thuốc chống co giật, hạ huyết áp và điều trị hồi sức nâng đỡ, biện pháp tốt nhất để ổn định bệnh là kết thúc sớm thai kỳ nếu có thể. 

XII. BỆNH GAN THOÁI HÓA MỠ CẤP TÍNH Ở PHỤ NỮ MANG THAI LÀ GÌ? 

Đây là một bệnh hiếm gặp, thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ nhưng cũng có khi sớm hơn vào tuần thứ 26. Bệnh có thể gặp ở những người có thai con so cũng như con rạ. Nguyên nhân của bệnh này được nghĩ là do ảnh hưởng của yếu tố dinh dưỡng, do rối loạn sự tổng hợp chất lipoprotein và do thiếu các enzym cần cho việc biến đổi chất mỡ của thành phần ty thể (mitochodria) trong tế bào gan. Vì vậy, chất mỡ bị lắng đọng ở số lượng nhiều bất thường trong gan, dẫn đến gan bị viêm do chất mỡ và thoái hóa mỡ. Khi một lượng lớn tế bào gan bị hư hại sẽ làm cho chức năng gan bị suy giảm nhanh chóng. Bệnh nhân thường bị mệt, nhức đầu, cảm giác khó chịu, buồn nôn và nôn ói nhiều lần kèm đau bụng, sau đó bị vàng da. Trường hợp gan bị suy yếu trầm trọng, bệnh nhân có thể bị hôn mê, suy thận và xuất huyết do rối loạn đông máu. Một số ít bệnh nhân có thể bị co giật. Xét nghiệm máu thường thấy men gan tăng cao và tăng cả thành phần bilirubin, phosphatase kềm trong máu. Axít uric trong máu cũng tăng khoảng 80%. Siêu âm thường thấy gan “sáng” hơn bình thường. Sinh thiết gan mới là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán bệnh. Trong nhiều trường hợp để cứu sống bà mẹ và thai nhi, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật lấy thai ra khỏi bụng mẹ. 

XIII. KHI MANG THAI NẾU NGƯỜI MẸ UỐNG RƯỢU VỚI LƯỢNG ÍT HOẶC VỪA PHẢI THÌ CÓ AN TOÀN CHO GAN VÀ THAI NHI HAY KHÔNG? 

Không. Bởi vì rượu có thể gây hại cho thai. Khi bà mẹ khỏe mạnh bình thường mà uống rượu với số lượng ít hoặc vừa phải vẫn gây hại cho thai nhi. Còn đối với những bà mẹ bị bệnh gan thì phải tránh uống rượu vì đó là một chất đã được biết chắc chắn là sẽ gây độc cho gan.

Không có nhận xét nào: