Pages

bảo vệ lá gan


Menu

12/10/15

CÁC LOẠI BỆNH VIÊM GAN

I. NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN:
A. Viêm gan siêu vi là gì?
Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm, bị hư hoại rồi chết đi mà từ ngữ dân gian thường gọi là sưng gan. Khi tế bào gan bị viêm hoặc hư hoại, các men như ALT và AST từ trong tế bào gan được phóng thích vào trong máu. Vì vậy, khi thấy men gan tăng trong máu thì đó là dấu hiệu giáp tiếp cho biết tình trạng viêm và hư hoại của gan. Đối với viêm gan siêu vi, tùy vào thời gian bị bệnh mà người ta chia viêm gan ra thành hai loại là viêm gan siêu vi cấp tính (khi thời gian bị bệnh dưới 6 tháng) và viêm gan siêu vi mãn tính (khi tình trạng viêm gan kéo dài trên 6 tháng).
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm gan nhưng nguyên nhân quan trọng và thường gặp nhất ở nước ta hiện nay là viêm gan do siêu vi khuẩn.

B. Siêu vi khuẩn là gì?
Siêu vi khuẩn (thường gọi tắt là siêu vi) là những sinh vật cực kỳ nhỏ nên không thể nhìn thấy được bằng kính hiển vi thông thường mà phải dùng đến kính hiển vi điện tử có độ phóng đại hàng chục ngàn lần. Mặc dù có một số siêu vi có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài nhưng chúng lại không có khả năng sinh sản và tăng trưởng được ở đó. Chúng chỉ có thể tăng trưởng và sinh sản được trong những tế bào sống của những cơ thể bị siêu vi xâm nhập. Mỗi loại siêu vi xâm nhập vào một số tế bào riêng biệt, ví dụ siêu vi gây viêm gan chủ yếu xâm nhập vào tế bào gan, siêu vi gây bệnh AIDS xâm nhập vào tế bào của hệ thống miễn dịch...
Một khi đã vào được bên trong các tế bào của cơ thể, chúng sẽ  tiếp quản các bộ máy chỉ huy của những tế bào này, dùng bộ máy của tế bào như một công cụ để sản xuất ra vô số con siêu vi mới. Đây chính là cách thức mà siêu vi sinh sản trong cơ thể. Tế bào gan bị nhiễm siêu vi viêm gan có thể tạo ra rất nhiêu con siêu vi viêm gan mới. Sự việc này có thể làm cho tế bào gan bị yếu đi và chết. Khi các tế bào gan bị nhiễm siêu vi chết đi, chúng phóng thích ra những siêu vi mới để các siêu vi này lại tiếp tục tấn công những tế bào gan khỏe mạnh khác. Toàn bộ quá trình này chỉ kéo dài trong khoảng vài giờ, nhưng vì gan có tới hàng tỷ tế bào cho nên các tiến trình này xảy ra rất nhiều lần mới làm cho gan hư hoại đáng kể. Do vậy, phải mất thời gian dài sau khi bị nhiễm siêu vi, bệnh nhân mới có triệu chứng viêm gan.
C. Siêu vi khuẩn có khác vi khuẩn hay không?
Người ta thường lẫn lộn siêu vi khuẩn với vi khuẩn. Cả siêu vi và vi khuẩn đều có khả năng gây bệnh cho người nhưng nhưng chúng lại có nhiều điểm khác nhau:
 - Vi khuẩn tự bản thân nó có thể hoạt động, hấp thu chất dinh dưỡng, tăng trưởng và sinh sản... Trong khi đó siêu vi khuẩn lại không có khả năng này. Chúng chỉ có thể sử dụng các chất liệu sống có sẵn của tế bào để sinh sản và tăng trưởng mà thôi.
 - Kích thước của siêu vi nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều. Để có thể so sánh chúng, ta hãy tưởng tượng nếu siêu vi có kính thước bằng một trái bóng thì vi khuẩn có kích thước bằng một sân chơi bóng rổ và tế bào của người sẽ có kích thước bằng một sân bóng đá!
 - Cách điều trị bệnh cũng rất khác nhau. Các bác sĩ thường dùng kháng sinh để điều trị bệnh do vi khuẩn và nếu thuốc có hiệu quả, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn (trừ khi bị tái nhiễm). Chúng ta có thể sẽ thắc mắc rằng tại sao lại không điều trị bệnh viêm gan siêu vi bằng cách đó. Lý do là vì siêu vi sống ký sinh bên trong tế bào gan cho nên những thuốc tiêu diệt siêu vi cũng sẽ tiêu diệt luôn cả tế bào.
D. Cơ thể con người chiến đấu đẩy lùi siêu vi như thế nào?
Hệ thống miễn dịch của cơ thề là nơi giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng (bao gồm cả nhiễm siêu vi). Một trong những cách bảo vệ chủ yếu là tạo ra kháng thể. Kháng thể giống như đội đặc nhiệm để chống lại các kẻ thù xâm nhập vào cơ thể như các siêu vi, vi khuẩn... Đối với mỗi loại siêu vi, cơ thể sẽ tạo ra các loại kháng thể chuyên biệt. Các kháng thể này hoạt động bằng cách gắn vào siêu vi để trực tiếp hay gián tiếp tiêu diệt chúng hoặc ngăn không cho chúng lan tràn vào tế bào khỏe mạnh. Hiệu quả của các kháng thể cũng thay đổi tùy vào từng loại siêu vi. Kháng thể chống lại siêu vi viêm gan A thì rất hữu hiệu cho nên gần như 100% trường hợp sẽ khỏi bệnh hoàn toàn mà không cần phải uống bất kì loại thuốc nào cả. Còn đối với viêm gan siêu vi B, nếu mắc bệnh vào tuổi trưởng thành thì 90% trường hợp sẽ tự phục hồi và cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ chống lại bệnh gần như suốt đời. Ngược lại, đối với viêm gan siêu vi C thì đến 85% bệnh nhân vẫn tiếp tục bị bệnh do kháng thể tạo ra không đủ khả năng để tiêu diệt và loại trừ siêu vi C. Khi bệnh nhân đã có kháng thể đối với một loại siêu vi viêm gan này thì vẫn có thể bị nhiễm những loại siêu vi viêm gan khác.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể chỉ tạo được kháng thể chống siêu vi viêm gan sau khi siêu vi đã vào cơ thể khoảng vài tuần. Trong suốt thời gian hệ thống miễn dịch chưa có khả năng đề kháng, siêu vi đã gây hư hoại cho gan và bệnh nhân có triệu chứng của bệnh gan. Do siêu vi đã có mặt trong cơ thể người bệnh một thời gian trước khi xuất hiện các triệu chứng cho nên những người bị nhiễm siêu vi mà chưa có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
E. Bệnh viêm gan siêu vi là gì?
Viêm gan siêu vi là bệnh viêm gan do siêu vi khuẩn gây ra. Hiện nay, người ta đã biết có 6 loại siêu vi gây viêm gan, đó là siêu vi A, B, C, D, E, G. Mỗi loại siêu vi lại gây ra một loại viêm gan khác nhau. Tất cả 6 loại viêm gan siêu vi trên đều có thể gây ra viêm gan cấp tính nhưng chỉ có siêu vi B, C, D là có thể làm cho bệnh nhân viêm gan kéo dài thành mã tính, rồi dẫn đến xơ gan. Ngoài ra, siêu vi B và C còn có thể gây ra ung thư gan.
Ngoài 6 loại siêu vi kể trên, còn có những siêu vi khác gây ra nhiễm trùng nhiều nơi trong cơ thể và đôi khi cũng làm viêm gan, ví dụ như CMV (cytomegalovirus), siêu vi Herpes, siêu vi Epstein Barr...
Trong các bệnh viêm gan siêu vi thì viêm gan siêu vi A, B và C là rất phổ biến; trong đó hai loại B và C được quan tâm nhiều nhất ở nước ta hiện nay. Vì vậy chúng tôi sẽ đề cập kỉ về viêm gan siêu vi B và C trong chương này.
II. VIÊM GAN SIÊU VI A:
Bệnh này được lây lan qua đường ăn uống do những đồ ăn thức uống bị nhiễm siêu vi A. Xét nghiệm phân của người bị nhiễm viêm gan siêu vi A cho thấy phân của họ chứa rất nhiều siêu vi A. Siêu vi này chỉ gây ra bệnh viêm gan cấp tính chứ không gây viêm gan mãn tính và không dẫn đến xơ gan. Sau khi nhiễm siêu vi A, nếu khỏi bệnh thì không bao giờ bị nhiễm bệnh trở lại. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên ở vùng Châu Á đã từng bị nhiễm siêu vi A và cơ thể đã tạo ra kháng thể chống lại bệnh này rồi. Do vậy, đa số người Việt Nam đã được miễn dịch với bệnh cho nên việc chủng ngừa viêm gan siêu vi A chưa thật cần thiết trong tình hình hiện nay.
III. BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI B:
Hiện nay, viêm gan siêu vi B là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm gan mãn tính và xơ gan ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thề giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước lượng hiện nay có khoảng 350 triệu người đang mang siêu vi B trên toàn thế giới và 2/3 trong số đó là vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Riêng ở Việt Nam, các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 10 – 15 % dân số bị nhiễm siêu vi B (khoảng 10 triệu người Việt với dân số chung khoảng 80 triệu người).
A. Bệnh viên gan siêu vi B lây nhiễm như thế nào?
Ở Việt Nam, đường lâh truyền chủ yếu của bệnh thường là từ người mẹ mang siêu vi B lây sang cho con trong lúc sanh nở và lây truyền giữa các trẻ em với nhau. Các phương pháp cũng làm lây lan bệnh như: quan hệ tình dục với người bị nhiễm siêu vi B, dùng chung những vật dụng có thể dính máu như kim chích, kim châm cứu, kim xâm mình, bàn chải đánh răng, dao cạo râu...với người bị nhiễm siêu vi B. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị lây bệnh khi đi chữa răng, nội soi hoặc được làm những thủ thuật mà dụng cụ không đảm bảo vô trùng. Tuy vậy, có khoảng 40% bệnh nhân không ghi nhận được đường lây rõ ràng.
B. Làm thế nào biết mình bị nhiễm viêm gan siêu vi B?
Thông thường bệnh nhân nghĩ rằng khi bị bệnh gan thì mình phải có những triệu chứng vàng da, vàng mắt, ngứa... nhưng thực ra, có đến 70 – 80% bệnh nhân bị viêm gan mà không có triệu chứng gì rõ rệt; nghĩa là những bệnh nhân này cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh và do vậy họ không hề biết rằng mình đang nhiễm siêu vi B; cách duy nhất có thể phát hiện bệnh là đi làm xét nghiệm máu.
Việc phát hiện bệnh ở những người không có triệu chứng thường là tình cờ do xét nghiệm máu tổng quát như lúc khám sức khỏe định kì, lúc đi mua bảo hiểm nhân thọ, khi hiến máu nhân đạo, khi bệnh nhân muốn chích ngừa viên gan siêu vi B, khi phát hiện ra trong gia đình có người bị nhiễm viêm gan siêu vi...hoặc đôi khi chỉ vì lí do mệt mỏi, suy nhược cơ thể không rõ nguyên nhân. Rất nhiều bệnh nhân đã ngạc nhiên và không tin khi được báo rằng mình bị nhiễm siêu vi viêm gan vì từ xưa đến giờ họ cảm thấy rất khỏe mạnh, không hề bị vàng da, vàng mắt hay sưng gan bao giờ. Chỉ có khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng viêm gan siêu vi cấp.
C. Viêm gan siêu vi B cấp gồm những triệu chứng gì?
Bệnh nhân thường bị sốt, nhức đầu, đau nhức mình mẩy giống như bị cảm cúm, mệt mỏi buồn nôn, chán ăn, đau tức vùng dưới sườn bên phải, tiểu ít và nước tiểu đậm màu như nước trà đậm. Sau đó mới bị vàng da, vàng mắt. Nếu bị viêm gan quá nặng, chức năng gan có thể bị suy giảm và dẫn đến tử vong.
D. Tại sao khi bị nhiễm siêu vi B, có người thì có triệu chứng, còn có người thì lại không cảm thấy bệnh tật gì?
Điều này phụ thuộc bệnh nhân bị nhiễm siêu vi B vào tuổi nào và thời gian đã bị nhiễm siêu vi B bao lâu.
Nếu siêu vi trở nên hoạt động, nó tiếp tục gây hư hại cho gan và bệnh nhân sẽ bị viêm gan mãn tính. Nên biết rằng mặc dù siêu vi làm hư hại gan nhưng chúng lại không gây ra bất cứ triệu chứng gì; có nghĩa là bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau nhức khớp. Do đó, cách duy nhất để phát hiện được tình trạng này là làm xét nghiệm máu. Khoảng 20% trường hợp viêm gan B mãn tính có thể tiến triển thành xơ gan và có 2,5% mỗi năm những bệnh nhân xơ gan sẽ có nguy cơ bị ung thư gan.
E. Vậy phải làm gì khi được chuẩn đóan là nhiễm siêu vi B?
Đừng hoảng hốt. Một số lớn bệnh nhân có thể chỉ mang siêu vi B mà gan không bị bệnh. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tiến hành một số xét nghiệm về gan. Nếu xét nghiệm máu không phát hiện là gan bị hư hại thì nhưng bệnh nhân này được gọi là ”người mang siêu vi B mãn tính không triệu chứng”. Các bệnh nhân này cần được theo dõi định kì mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng bởi vì hoàn toàn không có cách nào để tiên đóan khi nào siêu vi sẽ trở nên hoạt động. Nếu gan bị viêm thì tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ quyết định việc điều trị.
IV. BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI C:
A. Viêm gan siêu vi C là gì?
Trước thập niên 90, người ta chỉ mới biết có bệnh Viêm gan siêu vi A và B. Sau đó, có những trường hợp viêm gan nhưng không tìm thấy siêu vi A hoặc B nên người ta gọi đó là viêm gan không phải A không phải B. Từ thập niên 90 trở đi, một siêu vi khuẩn mới được phát hiện cũng có khả năng gây viêm gan, đó là siêu vi C. Từ đó, các xét nghiệm mới để khảo sát siêu vi c đã ra đời. Khi làm các xét nghiệm này cho những bệnh nhân viêm gan không phải A không phải B thì người ta phát hiện đa số những người này có sự hiện diện của siêu vi C.
B. Có nhiều người bị bệnh này không?
Ngưới ta phỏng đoán có khoảng 150 – 200 triệu người đang có mang siêu vi c mãn tính trên toàn thế giới. Mỗi năm, cứ 100.000 người, sẽ có từ 1 đến 3 người mới mắc bệnh.
Tỷ lệ người nhiễm siêu vi C thay đổi theo từng vùng (trung bình là 0.1 – 5%). Ở Việt nam, tỉ lệ này vào khoảng 1.8%.
C. Viêm gan siêu vi C bị lây nhiễm bằng cách nào?
Siêu vi C được lây truyền chủ yếu qua đường máu. Do vậy, vì bất cứ lí do gì mà chúng ta tiếp xúc với máu của những người bị nhiễm siêu vi C thì điều có khả năng mắc bệnh này.
Khoảng 10 năm trước đây, những trường hợp nhiễm bệnh do truyền máu chiếm khoảng 10%. Hiện nay, nhờ có các xét nghiệm phát hiện siêu vi C ở những người cho máu, cho nên nguy cơ lây nhiễm sau truyền máu đã giảm đi đáng kể, chỉ còn khoảng <0,5% ở các nước phát triển.
Đường truyền bệnh khá quan trọng hiện nay là qua việc dùng chung kim và ống chích. Có khoảng 60 – 90% những người chích xì ke sẽ bị nhiễm siêu vi C. Ngay cả khi dùng kiêm và ống chích riêng nhưng người chích xì ke vẫn có thể bị nhiễm bệnh là do họ vẫn dùng chung các vật dụng để chuẩn bị cho mũi chích như muỗng, màng lọc... Ở những người hít cocainmà không chích xì ke vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm siêu vi c do việc chia sẽ các mẫu thuốc hít và do họ thường bị những vết trầy sướt hoặc loét ở niêm mạc mũi.
Những phương cách lây truyền khác như qua tiếp xúc tình dục hoặc do mẹ truyền sang cho con thì ít xảy ra hơn so với viêm gan siêu vi B. Ngoài ra bệnh còn được lây nhiễm do châm cứu, xâm mình, xỏ lỗ tai, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu...với người bệnh. Vấn đề lây nhiễm trong bệnh viện cũng đáng được quan tâm, do phẫu thuật hoặc các thủ thuật như nội soi, sinh thiết, chữa răng mà dụng cụ không đảm bảo tiệt trùng đầy đủ.
Tuy nhiên, có khoảng 20 – 40% bệnh nhân viêm gan siêu vi C mà không ghi nhận được nguồn lây rõ ràng.
D. Làm thế nào để biết mình bị viêm gan siêu vi C ?
Đa số những người bị nhiễm siêu vi C không hề hay biết mình bị bệnh vì phần lớn họ không có triệu chứng gì. Nếu có, cũng chỉ là những triệu chứng không đặc hiệu cho bệnh gan ví dụ như mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, sụt cân hoặc có đôi khi có đau tức vùng dưới sườn bên phải. Rất ít trường hợp bệnh nhân có triệu chứng vàng da, vàng mắt. Một điều đáng lưu ý là không có sự liên quan rõ rệt giữa triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nói một cách khác, có những người than phiền rất nhiều triệu chứng nhưng mức độ viêm gan lại nhẹ; ngược lại những người không cảm thấy triệu chứng  gì nhưng tình trạng viêm nhiễm  ở gan lại đang tiến triển khá nhiều.
Việc phát hiện nhiễm siêu vi C thường là do tình cờ đứng trước một trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm men gan tăng cao hơn bình thường khi đi khám sức khỏe định kì, chuẩn bị trước mỗ... Lúc đó, để tìm nguyên nhân của bệnh gan, các bác sĩ thường cho làm xét nghiệm tầm soát siêu vi B và C. Những trường hợp khác thường được phát hiện khi bệnh nhân đi hiến máu.
E. Bệnh viêm gan siêu vi C có nguy hiểm hay không ?
Một trong những đặc điểm quan trọng của nhiễm siêu vi C là đa số bệnh nhân không có khả năng tự loại trừ siêu vi ra khỏi cơ thể và họ sẽ trở thành người mang siêu vi C mãn tính. Trong số đó, 25% bệnh nhân có men gan bình thường, tình trạng tiến triển sang viêm gan mãn tính rất chậm và gan bị hư hại rất ít; họ được gọi là ”người mang siêu vi C mãn tính không triệu chứng”. Các bệnh nhân còn lại sẽ chuyển sang viên gan C mãn tính. Do bệnh tiến triển chậm và đa số bệnh nhân không có triệu chứng gì trong suốt 20 năm sau khi bị nhiễm siêu vi C, cho nên gan bị hư hại ngày càng nhiều nhưng bệnh nhân lại không hề hay biết. Sau 10 – 20 năm, ít nhất có 20% số bệnh nhân này sẽ bị xơ gan. Xơ gan sẽ xảy ra sớn hơn nếu như bệnh nhân uống rượu nhiều hoặc gan bị hư hại thêm do thuốc hoặc nhiễm thêm các siêu vi viêm gan khác như siêu vi B, D, HIV.
F. Phải làm gì khi được chuẩn đoán là bị nhiễm siêu vi C ?
Khi bị nhiễm siêu vi C, 80 – 85% bệnh nhân không có khả năng loại trừ siêu vi ra khỏi cơ thể và sẽ chuyển sang tình trạng nhiễm siêu vi C mãn tính. Trong giai đọan này, gan có thể tiếp tục bị hư hại. Để đánh giá tình trạng trên, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được làm một số xét nghiệm men SGOT (AST) và SGPT (ALT). Một điều đáng lưu ý rằng trong giai đọan viêm gan C mãn tính, men gan có thể thay đổi bất thường: lúc tăng lúc giảm về trị số bình thường; khi thấy men gan bình thường không có nghĩa là bệnh đã ổn định mà cần phải theo dõi men gan mỗi tháng, ít nhất 3 lần liên tiếp mới đánh gía được tình trạng hư hại của gan.
G. Tại sao khi bị nhiễm viêm gan siêu vi C thường chuyển sang mãn tính ?
Một đặc tính khá quan trọng của viêm gan siêu vi C là nó thường xuyên biến đổi qua mỗi lần sinh sản ra siêu vi mới mà người ta gọi đó là sự ”đột biến”. Do đó, kháng thể do cơ thể tạo ra không thể nhận dạng và tiêu diệt được siêu vi. Cũng vì vậy mà khi bị nhiễm siêu vi C, hệ thống miễn dịch của cơ thể khó có thể loại trừ siêu vi. Do đó, siêu vi cứ tồn tại và tiếp tục làm hư hại gan. Tuy nhiên, cũng có khoảng 10 – 15% trường hợp, bệnh nhân sau khi nhiễm siêu vi C có thể tự khỏi bệnh.
V. CÁC BỆNH VIÊM GAN KHÁC:
A. Bệnh viêm gan do rượu :
Rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây viêm gan thường gặp. Ngoài viêm gan, rượu còn có thể gây ra gan nhiễm mỡ và khoảng 20% những người uống rượu trong thời gian dài sẽ bị xơ gan. Những người uống rượu thường nói rằng “uống rượu để tiêu sầu vạn cổ” nhưng nhớ rằng “nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” khi xảy ra xơ gan, vì dù kiêng cử rượu suốt đời, phần gan bị xơ sẽ không thể trở lại bình thường được.
B. bệnh viêm gan do mỡ :
Có nhiều nguyên nhân làm cho mỡ đọng lại trong gan như uống rượu kinh niên, tiểu đường, bệnh tăng chất mỡ trong máu, dùng một số thuốc như corticoides, tetracyline, thuốc ngừa thai, vài loại thuốc chống ung thư...nhưng lý do thường gặp nhất gây ra gan nhiễm mỡ là béo phì. Một số bệnh nhân viêm gan do chất mỡ có thể tiến triển sang xơ gan (xem thêm chương 9: Gan nhiễm mỡ).
C. Bệnh viêm gan do thuốc và hóa chất:
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây viêm gan. Có rất nhiều loại thuốc và hóa chất gây hại cho gan. (xem thêm chương 10: thuốc và các hóa chất gây độc cho gan).
D. Bệnh viêm gan do nhiễm chất sắt :
Đây là bệnh lý di truyền thường gặp ở người da trắng và hiếm gặp ở người Việt nam. Chính sự bất thường về di truyền này làm cho ruột hấp thu quá nhiều chất sắt vào người và chất sắt sẽ tích tụ trong gan, tim, da, tụy tạng... Qua nhiều năm chất sắt làm hư hại cơ quan này, vì vậy gan có thể bị xơ đi.
E. Bệnh viêm gan do nhiễm chất đồng:
Bệnh này còn được gọi là bệnh Wilson. Đây là một bệnh có tính di truyền mà nguyên nhân là do cơ thể thiếu một số chất khiến cho chất đồng không lọc ra khỏi cơ thể. Chất đồng này bị ứ đọng lại tại gan sẽ làm gan bị viêm cấp tính rồi thành mãn tính và dần dần làm gan bị chai cứng lại. Chất đồng còn có thể động lại trong não, trong mắt. Vì vậy nhiều bệnh nhân có thể có triệu chứng thần kinh hoặc tâm thần khiến cho chuẩn đoán bị sai lạc.
F. Bệnh viêm gan tự miễn:
Viêm gan tự miễn là một bệnh hiếm gặp. Sở dĩ bệnh được gọi là viêm gan tự miễn là do cơ thể bệnh nhân, vì một lí do nào đó lại tự sản xuất ra các kháng thể miễn dịch chống lại một hay nhiều thành phần khác nhau của lá gan chính mình. Đây là một bệnh viêm gan mãn tính cho nên lâu dần cũng gây xơ gan.

Không có nhận xét nào: