Pages

bảo vệ lá gan


Menu

6/10/15

CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B

I. TẠI SAO CẦN PHẢI CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI?
Như chúng ta đã biết, bệnh viêm gan siêu vi hiện nay đã trở thành một mối quan tâm lớn cho y tế cộng đồng. Trong đó, viêm gan siêu vi B, C là hai bệnh thường hay gặp nhất và khoảng 20-40% trường hợp sẽ có nguy cơ diễn tiến mãn tính với những biến chứng nặng nề như xơ gan và ung thư gan. Khi đã mắc bệnh thì việc điều trị sẽ rất tốn kém và đôi khi dù có tốn kém để điều trị nhưng kết quả lại không đạt được như mong muốn. Vì vậy, không nên để “mất trâu rồi mới lo làm chuồng” mà chúng ta phải chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

II. VIỆC CHỦNG NGỪA SẼ BẢO VỆ CHO CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?
Khi siêu vi khuẩn xâm nhập vào trong cơ thể thì cơ thể sẽ huy động các lực lượng bảo vệ để tiêu diệt kẻ thù. "Bộ Quốc Phòng” của cơ thể chính là “hệ thống miễn dịch”, chuyên chỉ huy và đào tạo binh lính để chống lại “ngoại xâm”. Nếu trận chiến thắng lợi tức là cơ thể đã tiêu diệt được siêu vi khuẩn và coi như ta đã khỏi bệnh. Lúc đó, đội quân “miễn dịch” ( bao gồm các kháng thể và các tế bào miễn dịch) sẽ trở nên tinh nhuệ hơn, am hiểu kẻ địch hơn cho nên nếu gặp lại kẻ thù đó một lần nữa, đội quân “miễn dịch” này sẽ dễ dàng nhận ra và tiêu diệt kẻ thù. Chính vì vậy, “muốn trăm trận, trăm thắng” thì trước tiên phải “biết địch, biết ta” và quân đội phải được tập dợt trước. Do đó, chủng ngừa là đưa một phần hoặc toàn phần con siêu vi khuẩn đã bị mất khả năng gây bệnh vào trong cơ thể, nhờ đó cơ thể có dịp nhận diện trước và đào tạo được một đội “đặc nhiệm” gồm các kháng thể và tế bào miễn dịch chuyên biệt để tiêu diệt siêu vi khuẩn tấn công. Phương cách đó được gọi là tạo “miễn dịch chủ động”.
Từ lúc chủng ngừa đến khi cơ thể có khả năng đề kháng được siêu vi B phải mất vài ba tháng và khả năng bảo vệ này được duy trì trong nhiều năm. Nếu trong thời gian cơ thể chưa kịp tạo ra kháng thể mà chúng ta tiếp xúc với người bệnh viêm gan siêu vi, chúng ta có thể bị siêu vi tấn công bất ngờ và cơ thể sẽ không trở tay kịp thời. Lúc đó, chúng ta phải nhờ vào “viện binh”  bằng cách tiêm trực tiếp các kháng thể có sẵn lấy từ máu của những người đã được bảo vệ đối với bệnh viêm gan siêu vi B. Cách đó là HBIG ( Hepatitis B Immune Globulin). Cách tiêm này được gọi là tạo “miễn dịch thụ động”. Các kháng thể “mượn” từ bên ngoài chỉ bảo vệ cơ thể trong vòng vài tháng. Muốn được bảo vệ lâu dài hơn, chúng ta phải chủng ngừa cùng lúc để có được kháng thể do chính cơ thể mình sản xuất ra.
III. HIỆN NAY CÓ THỂ CHỦNG NGỪA ĐƯỢC BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI NÀO?
Có rất nhiều vi khuẩn gây viêm gan nhưng hiện nay chỉ có hai loại viêm gan siêu vi A và B là đã có thuốc chủng ngừa. Còn siêu vi C, do nó “ thay hình đổi dạng” liên tục cho nên hiện chưa thể chế tạo được thuốc chủng ngừa hiệu quả.
Theo số liệu thống kê thì trên 90% thanh thiếu niên ở nước ta đã từng bị nhiễm siêu vi viêm gan A. May mắn thay là bệnh viêm gan siêu vi A thường tự khỏi và không bao giờ chuyển sang mãn tính. Vì vậy, vấn đề chủng ngừa viêm gan siêu vi A chưa phải là một vấn đề cấp bách ở nước ta hiện nay.
Ngược lại, vấn đề chủng ngừa viêm gan siêu vi B lại rất quan trọng vì đây là một bệnh khá phổ biến ở nước ta. Bệnh có thể diễn tiến sang mãn tính cùng các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan với một tỷ lệ nào đó. Tuy nhiên, bệnh lại có thể phòng ngừa hiệu quả khi được chủng ngừa đầy đủ. Ngoài ra, bệnh nhân bị nhiễm siêu vi C cũng nên chủng ngừa viêm gan siêu vi B vì nếu bị nhiễm cả hai loại siêu vi B và C sẽ làm cho gan bị hư hoại thêm.
IV. CÓ BAO NHIÊU LOẠI THUỐC CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B?
Thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi B có hai nguồn gốc: loại thuốc đầu tiên được sản xuất từ huyết tương của những người cho máu bị nhiễm siêu vi B mãn tính. Huyết tương này phải được tinh lọc lại sao cho chỉ còn chứa phần lớp vỏ bên ngoài của siêu vi (gọi là kháng nguyên HBsAg). Kháng nguyên này không có khả năng lây bệnh nhưng lại kích thích được hệ thống miễn dịch của cơ thể để sản xuất ra kháng thể bảo vệ. Thuốc chủng ngừa loại này được gọi là “vắc-xin từ huyết tương” và đã được sử dụng từ năm 1981. Hiện nay, nước ta cũng đã chế tạo được thuốc chủng ngừa siêu vi B từ huyết tương.
Hầu như các nước tiên tiến trên thế giới hiện đang sử dụng loại thuốc chủng thứ hai. Thuốc này được chế tạo nhờ vào công nghệ sinh học. Người ta có thể dùng một loại nấm men (có tên là saccharonyces cerevisiae) hoặc vi khuẩn hoặc tế bào như là một “nhà máy” sản xuất ra thuốc chủng ngừa theo khuôn mẫu có sẵn để tạo ra kháng nguyên bề mặt của siêu vi B, tức là HBsAg. Loại thuốc chủng ngừa này được gọi là “vắc-xin tái tổ hợp”. Thuốc đã được sử dụng cho hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới và đã chứng minh rất hiệu quả và an toàn. Một trong các thuốc chủng ngừa loại này là Engerix-B (của công ty GlaxoSmithKline).
Nếu những người chưa chủng ngừa mà tiếp xúc với máu của bệnh nhân viêm gan siêu vi B ví dụ như nhân viên y tế khi lấy máu của người bị viêm gan siêu vi B mà chẳng may bị kim đâm vào tay thì nên thử máu để xem mình đã có miễn dịch với bệnh hay chưa. Nếu chưa có kháng thể bảo vệ thì cần phải chích chất HBIG (Hepatitis B Immune Globulin). Đó là các kháng thể lấy từ những người đã được bảo vệ đối với bệnh viêm gan siêu vi B nên có tác dụng tiêu diệt siêu vi tức thì.
V. CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B CÓ BỊ TAI BIẾN HAY PHẢN ỨNG PHỤ GÌ KHÔNG?
Hiện nay, việc chủng ngừa viêm gan siêu vi được xem là rất an toàn và chưa có một chống chỉ định nào nghĩa là ai cũng có thể chủng ngừa được. Mặc dù chưa có bằng chứng là thuốc chủng ngừa sẽ ảnh hưởng trên thai nhi nhưng ở phụ nữ có thai, nếu không có yêu cầu gì thật cấp bách thì không nên chích ngừa trong lúc mang thai.
Cũng giống như các loại thuốc chủng ngừa thông dụng khác, khi chủng ngừa viêm gan siêu vi, người ta có thể gặp một số phản ứng nhẹ tại chỗ như đau, nổi đỏ, chai ở chỗ chích. Đôi khi bệnh nhân có thể bị sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp... và một số trường hợp hiếm có thể có biểu hiện dị ứng ngoài da, viêm thần kinh nhưng hầu hết các phản ứng này thường tự khỏi hoặc sau khi được điều trị thích hợp.
VI. AI CẦN PHẢI CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B?
Hiện hay nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa việc chủng ngừa viêm gan siêu vi B vào chương trình chủng ngừa phổ cập quốc gia. Đó là việc áp dụng tiêm chủng cho tất cà sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Riêng Việt Nam chỉ mới phổ cập chủng ngừa viêm gan siêu vi B cho tất cả trẻ sơ sinh. Việc chủng ngừa cho trẻ sơ sinh mang lại nhiều lợi ích: trước tiên, trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước cần phải được bảo vệ không được bệnh tật; thứ hai là nếu bị nhiễm siêu vi B vào lứa tuổi này lại rất dễ bị chuyển sang mãn tính; thứ ba là khi ngăn chặn bệnh từ nhỏ sẽ hạn chế dần nguồn lây bệnh về sau cũng như giảm được nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội về mặt điều trị bệnh cùng các biến chứng nguy hiểm của nó; cuối cùng liều chủng ngừa ở trẻ sơ sinh chỉ bằng phân nữa ở người lớn cho nên chi phí sẽ thấp hơn.
 - Ngoài ra, cũng cần chủng ngừa cho các đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm cao như những bệnh nhân phải truyền máu nhiều lần; những người phải chạy thận nhân tạo dài hạn; chồng hoặc vợ hay những thành viên trong gia đình của bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B; những người chích xì-ke; những người “pê-đê” ( đàn ông đồng tính luyến ái), nhân viêm y tế...
VII. CÓ NÊN THỬ XÉT NGHIỆM TRƯỚC KHI CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B?
Nước ta hiện nay có tỉ lệ nhiễm siêu vi B rất cao, khoảng 15% dân số tức là có khoảng 10-12 triệu người đang mang mầm bệnh. Vì vậy, người lớn rất có khả năng là đã bị nhiễm, cho nên trước khi chủng ngừa, cần thử máu xem mình đã bị nhiễm hay chưa. Nếu chưa bị thì hãy chích ngừa, còn nếu đã bị nhiễm rồi thì không cần chích ngừa mà cần phải làm thêm một số xét nghiệm khác nữa để biết có cần phải điều trị hay không?
Xét nghiệm tối thiểu cần làm trước khi chủng ngừa là HBsAg và antiHBs. HBsAg cho ta biết là còn đang bị nhiễm hay không, còn antiHBs cho biết cơ thể đã được bảo vệ hay chưa. Nếu HBsAg (-) và antiHBs (+) có nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm nhưng đã khỏi bệnh và cơ thể đủ sức tạo được kháng thể bảo vệ, cho nên không cần thiết phải chủng ngừa. Khi cả HBsAg và antiHBs đều âm tính ( tức là bệnh nhân có thể hoàn toàn chưa bị nhiễm) thì nên chủng ngừa. Còn trường hợp HBsAg (+) nhưng antiHBs (-) tức là cơ thể đang bị nhiễm và chưa được bảo vệ. Lúc đó cũng không cần phải chủng ngừa mà tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị. Thực ra, còn nhiều trường hợp phức tạp khác cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Riêng ở trẻ sơ sinh thì nên tiêm chủng càng sớm càng tốt mà không cần làm xét nghiệm. Giả sử không làm xét nghiệm trước mà chủng ngừa nếu đã bị nhiễm rồi thì chích ngừa cũng không có hại gì cho sức khỏe nhưng có “hại” cho túi tiền vì tiền xét nghiệm rẻ hơn tiền chủng ngừa.
VIII. LỊCH CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B NHƯ THẾ NÀO?
Hiện nay, đa số các trường hợp, người ta áp dụng lịch chủng ngừa: 0-1-6, có nghĩa là 2 mũi tiêm đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản ban đầu còn mũi thứ 3 tiêm nhắc lại cách 6 tháng tính từ mũi đầu tiên. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt cần kích thích nhanh đáp ứng miễn dịch của cơ thể nhất là ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi B mãn tính, người ta tiêm 4 mũi theo lịch: 0-1-2-12, có nghĩa là 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng để tạo miễn dịch cơ bản, còn mũi thứ 4 cách mũi đầu tiên 12 tháng là mũi tiêm nhắc lại.
Đễ thuận tiện cho lịch tiêm chủng chung ở trẻ em, người ta có thể kết hợp tiêm cùng lúc với các chủng ngừa khác ví dụ như:
 - Tuần đầu sau sanh: BCG + VGSVB (1)
 - Hai tháng tuổi: DTP (1) + SBL (1) + VGSVB (2)
 - Ba tháng tuổi: DTP (2) + SBL (2)
 - Bốn tháng tuổi: DTP (3) + SBL (3) + VGSVB (3)
 - Chín tháng tuổi: Sởi
(DTP: Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà; SBL: Sốt bại liệt; VGSVB: vaccin viêm gan siêu vi B; BCG: Chủng ngừa lao)
Các thuốc chủng ngừa có thể tiêm cùng một lúc, không gây nguy hại ảnh hưởng gì nhau nhưng nên tiêm ở hai vị trí khác nhau. Ngoài ra, có thể sử dụng các thuốc dạng kết hợp cùng một mũi tiêm nhưng ngừa được nhiều loại bệnh ví dụ như thuốc chủng ngừa Tritanrix-HB-(chủng ngừa được bạch hầu, uốn ván, ho gà và viêm gan siêu vi B). Nhờ vậy, trẻ em không phải bị chích nhiều mũi.
Để đảm bảo hiệu quả của việc chủng ngừa, cần phải tiêm đủ liều và đúng thời hạn. Thông thường thì người ta hay quên tiêm nhắc lại mũi thứ ba, nếu như thời gian trễ không quá 3-4 tháng thì ta vẫn áp dụng tiếp lịch chủng ngừa cũ. Còn các trường hợp khác thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Nên tiêm bắp ở vùng cơ delta cánh tay (cơ dưới vai), mặt trước trên cơ đùi. Tránh tiêm ở những nơi có nhiều mô mỡ như mông sẽ kém hiệu quả hơn.
IX. KHI CHỦNG NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B, CÓ ĐẢM BẢO CHẮC CHẮN LÀ MÌNH ĐÃ ĐƯỢC BẢO VỆ HAY KHÔNG?
Nói chung, khi tiêm chủng đủ liều, đúng thời gian, khả năng tạo được kháng thề bảo vệ cơ thể là >90%. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì hiệu quả chủng ngừa càng cao hơn nữa. Lượng kháng thể antiHBs do cơ thể tạo ra khi tiêm chủng thường >100 mUI / mL nhưng thật ra chỉ cần >10 mUI / mL là đủ để bảo vệ khỏi bị bệnh. Vì vậy, sau khi chủng ngừa, thông thường không cần thiết để kiểm tra lại xét nghiệm. Sau nhiều năm, lượng kháng thể này sẽ bị giảm dần, do đó cứ sau 15 năm, người ta phải tiêm nhắc lại một mũi nữa để kích thích cơ thể tạo thêm lượng kháng thể bảo vệ. Ở các nước có tỉ lệ mắc bệnh cao như Việt Nam, người ta nhận thấy không cần phải tiêm nhắc lại ít nhất là sau 10-15 năm vì sống trong môi trường có nhiều người bị viêm gan siêu vi B như thế, có lẽ chúng ta đã có “dịp” tiếp xúc một cách “tự nhiên” với siêu vi B lúc nào mà không biết và những lần tiếp xúc đó xem như cơ thể đã được “nhắc lại”.
Một số đối tượng đặc biệt khi chủng ngừa lại không đạt được hiệu quả hoặc lượng kháng thể tạo ra thấp hơn người bình thường. Đó là những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như mắc bệnh AIDS hoặc chạy thận nhân tạo dài hạn, người nghiện rượu và xơ gan. Ngoài ra, người ta còn ghi nhận nếu tuổi tác càng lớn, nhất là nam giới, béo phì và hút thuốc lá nhiều thì cũng không đáp ứng tốt đối với việc chủng ngừa. Chẳng hạn chỉ có 60%-80% những người trên 60 tuổi sẽ tạo được kháng thể khi chủng ngừa. Những đối tượng này cần phải thử máu khoảng 1-2 tháng sau mũi tiêm thứ ba để xem lượng kháng thể tạo ra có đủ để bảo vệ hay không. Nếu không có đáp ứng hoặc lượng kháng thể tạo ra còn thấp thì ta có thể tiêm “bổ túc” hoặc “tăng cường” một hay vài lần nữa để kích thích thêm khả năng đề kháng của cơ thể. Đôi khi, người ta phải tăng liều thuốc chủng ngừa gấp đôi cho những người bị suy giảm miễn dịch. Với người cao tuổi thì không ai có thể đảo ngược được thời giam, nhưng nếu người béo phì và những người hút thuốc lá nhiều thì việc giảm cân và bỏ hút thuốc có thể làm cho việc chủng ngừa đạt được hiệu quả cao hơn. Ngay cả những người khỏe mạnh bình thường cũng có khoảng 5% trường hợp không tạo được kháng thể sau khi chủng ngừa. Những nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng việc đáp ứng miễn dịch đối với HBsAg được quyết định do yếu tố di truyền. Nếu sau khi tiêm chủng lại lần thứ hai mà vẫn không thể tạo ra kháng thể thì đành phải chấp nhận rằng mình đã có những “gốc” di truyền “không tốt” nên việc chủng ngừa siêu vi B bị thất bại.
Những người tiếp xúc thường xuyên với yếu tố lây nhiễm như nhân viên y tế, trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi B mãn tính cũng nên kiểm tra máu sau khi tiêm chủng để biết chắc chắn là cơ thể đã được bảo vệ hay chưa.
X. KHI CHƯA CHỦNG NGỪA MÀ CÓ TIẾP XÚC TRỰC TIẾP VỚI NGƯỜI BỊ VIÊM GAN SIÊU VI B THÌ PHẢI LÀM GÌ?
Muốn có kháng thể đủ sức bảo vệ sau khi chủng ngừa thì phải mất vài ba tháng. Do đó, khi tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm gan siêu vi B mà cơ thể chưa có kháng thể bảo vệ, chúng ta phải tiêm trực tiếp chất HBIG là các kháng thể kháng siêu vi B được điều chế sẵn. các đối tượng cần tiêm ngừa thụ động chất HBIG là: trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B, người có quan hệ tình dục với bệnh nhân bị viêm gan B, nhân viên y tế lấy máu bệnh nhân chẳng may bị kim đâm trúng tay... Cùng lúc đó, cần tiến hành chủng ngừa viêm gan siêu vi B để tạo được khán thể cho cơ thể. Tuy nhiên, các thuốc phòng ngừa loại này khá đắt tiền. Ở trẻ sơ sinh liều thông thường là 1ml (200 UI) chích trong vòng 24 giờ sau sinh. Còn ở người lớn là 0.06 ml/kg cân nặng. Thuốc có tác dụng bảo vệ trong vòng 30 ngày.

Không có nhận xét nào: