Pages

bảo vệ lá gan


Menu

2/10/15

XƠ GAN

I. XƠ GAN LÀ GÌ?
Xơ gan là kết cuộc cuối cùng của các bệnh lý gan mãn tính. Khi gan bị bất kỳ một nguyên nhân nào làm hư hại thì các tế bào gan sẽ bị chết đi và sau đó được thay thế bằng chất xơ. Từng đám tế bào gan còn lại sẽ tăng sinh để bù đắp cho phần gan đã bị chết và tạo nên các nốt tái sinh. Khi gan bị hư hại nặng và lâu ngày, các chất xơ được tạo ra ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc bình thường của gan và người ta gọi đó là xơ gan hay là chai gan.

II. NGUYÊN NHÂN NÀO DẪN ĐẾN XƠ GAN?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan, trong đó hai nguyên nhân quan trọng nhất là:
1. Bệnh viêm gan siêu vi, đặc biệt là do siêu vi B và C. Thời gian từ lúc bị viêm gan đến khi bị xơ gan rất thay đổi, có thể từ vài năm đến vài chục năm. Nếu bị nhiễm cùng một lúc nhiều loại siêu vi gây viêm gan hoặc đã bị viêm gan siêu vi mà lại uống rượu nhiều thì thời gian bị xơ gan sẽ còn nhanh hơn nữa.
2. Uống rượu: người ta không biết chính xác là uống bao nhiêu rượu và uống trong thời gian bao lâu sẽ dẫn đến xơ gan, nhưng các thống kê cho thấy rằng đa số những người uống trên 80g rượu cồn mỗi ngày (tương đương 1 lít rượu vang hoặc 2 lít bia hoặc 250 ml rượu mạnh) đến một lúc nào đó sẽ bị xơ gan. Nếu phụ nữ uống rượu, thì chỉ với 40-60g rượu cồn mỗi ngày đã có thể dẫn đến xơ gan. Đều này có nghĩa là nguy cơ bị xơ gan ở phụ nữ uống rượu sẽ cao hơn nam giới. Uống rượu liên lục mỗi ngày sẽ nguy hiểm hơn là uống cách quãng bởi vì gan không có thời gian để phục hồi và đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, xơ gan còn có thể xảy ra khi bị suy tim kéo dài, tắc mạch lâu ngày, dùng dài hạn các thuốc độc cho gan hoặc do một số bệnh lý rối loạn bẩm sinh của cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bị xơ gan mà không tìm được nguyên nhân.
III. LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH BỊ XƠ GAN?
Gan là một cơ quan có khả năng bù trừ rất tốt nghĩa là khi gan bị hư hại, các phần gan còn lại sẽ “gánh” thêm công việc của các phần gan bị hư, cho nên ít khi nó biểu hiện tình trạng suy giảm chức năng trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, bệnh thường không có triệu chứng gì rõ rệt và người ta gọi đó là thời kỳ xơ gan còn bù tức là thời kỳ mà nhiệm vụ của gan vẫn được bù đắp nhờ phần gan bình thường còn lại. Bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi, không làm việc được lâu, hay chán ăn, buồn nôn và sợ một số thức ăn đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Sau khi ăn, thường có những cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Đôi khi, bệnh nhân thấy đau tức vùng dưới sườn bên phải. Trên da ở vùng ngực, lưng và cổ của bệnh nhân có những đốm đỏ hình giống như hoa thị mà danh từ y học gọi đó là sao mạch. Lòng bàn tay có thể bị ửng đỏ. Việc phát hiện bệnh trong giai đoạn này thường là tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, khi làm xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng...
Sau một thời gian khoảng vài tháng hoặc vài năm, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn nặng hơn gọi là thời kỳ xơ gan mất bù tức là thời kỳ mà gan không còn đủ sức đảm đương nhiệm vụ của mình. Đó là lúc mà gan bị hư hại quá nhiều nên bắt đầu bộc lộ sự suy giảm chức năng. Bệnh nhân thường đi khám bệnh vì thấy bụng ngày càng to ra do ứ nước trong bụng mà người ta gọi là bị cổ trướng hoặc báng bụng. Vùng mắt cá chân có thể bị sưng lên, đè vào thì hơi bị lõm. Lúc này, người bệnh hay than mệt mỏi, chán ăn, cảm giác bị suy nhược, sụt cân... Bệnh nhân có thể bị vàng da và vàng mắt, dễ bị bầm ở các chỗ tiêm chích, chảy máu răng, chảy máu cam. Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, đàn ông có thể bị bất lực. Dưới bờ sườn bên phải có thể sờ thấy gan hơi cứng chắc và dưới bờ sườn bên trái có thể sờ thấy lá lách lớn.
Bệnh nhân có thể có những rối loạn về tinh thần như mất khả năng tập trung ngay cả khi làm những công việc rất yêu thích, cảm thấy dễ mệt nhưng lại ngủ không ngon. Nặng hơn nữa, bệnh nhân sẽ bị kích động, vật vã rồi dần dần bị hôn mê hoặc có thể bị ói ra máu rất nhiều và từ vong.
IV. CÁC XÉT NGHIỆM NÀO CẦN LÀM ĐỂ ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG XƠ GAN?
1. Xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Các xét nghiệm này sẽ giúp cho Bác sĩ biết được mức độ nặng nhẹ của bệnh.
2. Tìm kiếm nguyên nhân gây xơ gan, quan trọng nhất là xét nghiệm tìm siêu vi B và C. Nhiều trường hợp khi biết được sớm và điều trị đúng nguyên nhân có thể làm cho xơ gan tiến triển chậm hơn.
3. Siêu âm bụng để xem tổng quát hình ảnh của gan và phát hiện sớm khả năng tiến triển sang ung thư gan.
4. Nếu bụng có nước, sẽ lấy một ít dịch trong ổ bụng để làm xét nghiệm.
5. Nội soi thực quản-dạ dày để phát hiện các tĩnh mạch thực quản bị giãn do xơ gan gây ra. Tùy mức độ mà người ta có thể tiến hành điều trị phòng ngừa làm cho các tĩnh mạch này ít có nguy cơ bị vỡ, sẽ hạn chế được biến chứng ói ra máu.
6. Bác sĩ có thể yêu cầu làm sinh thiết gan cho bệnh nhân bằng cách dùng một kim nhỏ chích qua da, vào gan và lấy ra một ít tế bào gan để đem quan sát dưới kính hiển vi. Qua đó, các Bác sĩ có thể biết được chính xác mức độ hư hại và mức độ xơ hóa ở gan. Đôi khi, còn giúp xác định được nguyên nhân dẫn đến xơ gan.
V. XƠ GAN CÓ CÁC BIẾN CHỨNG GÌ?
Xơ gan có thể gây ra nhiều biến chứng nặng dẫn đến tử vong:
1. Bụng có nước nhiều có thể bị nhiễm trùng dịch báng. Lúc đó, bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy hoặc sốt. Đôi khi lại không có triệu chứng gì mà chỉ khi rút nước trong bụng đem đi xét nghiệm mới biết được có nhiễm trùng dịch báng.
2. Ói ra máu do các tĩnh mạch thực quản bị vỡ vì căng giãn quá mức. Bệnh nhân thường nôn ra máu tươi rất nhiều, có thể bị choáng váng do thiếu máu cấp tính và tụt huyết áp. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
3. Hôn mê do suy gan nặng. Biến chứng này xảy ra khi gan không còn đào thải được các độc chất và những chất này sẽ ứ lại trong máu, ngấm vào hệ thần kinh và làm rối loạn các hoạt động của não, nặng nhất là gây hôn mê gan.
4. Suy thận cấp tính là do suy gan nặng mà danh từ y học gọi đó là hội chứng gan-thận. Bệnh nhân đi tiểu ít dần rồi không tiểu được nữa.
5. Khi đã bị xơ gan do bất kì nguyên nhân nào thì nguy cơ bị ung thư gan rất cao. Muốn phát hiện sớm ung thư gan, tất cả các bệnh nhân xơ gan cần được làm siêu âm và xét nghiệm tìm chất AFP trong máu mỗi 6 tháng. Chất AFP là một loại protein do tế bào ung thư gan tiết ra.
VI. ĐIỀU TRỊ XƠ GAN NHƯ THẾ NÀO?
Muốn điều trị xơ gan, trước tiên là phải tìm nguyên nhân. Như chúng ta đã biết, xơ gan có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Có nguyên nhân có thể điều trị hoặc ngăn ngừa được như do rượu, một số trường hợp viêm gan siêu vi; có nguyên nhân lại không thể điều trị được như các rối loạn bẩm sinh của cơ thể. Nếu điều trị được nguyên nhân, có thể chặn đứng quá trình tiến triển của bệnh.
Nói chung, khi đã bị xơ gan rồi thì khó mà làm cho gan trở về bình thường. Tuy nhiên, việc điều trị có thể làm cải thiện một số triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng của xơ gan. Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Khi xơ gan mất bù, tiến triển bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng, thường đáp ứng rất kém với điều trị.
1. Điều trị nguyên nhân:
 - Ngưng uống rượu hoàn toàn nếu là xơ gan do rượu ngay cả xơ gan do các nguyên nhân khác. Việc ngưng rượu sẽ hạn chế được sự tạo lập chất xơ và bệnh được ổn định lâu dài hơn.
 - Nếu do nhiễm siêu vi B và C và tình trạng xơ gan mới ở giai đoạn đầu thì có thể dùng interferon. Nếu đã bị xơ gan mất bù thì thuốc này không dùng được vì có thể gây ra nhiều tai biến phụ. 
Hiện nay, có một số thuốc chống siêu vi B dạng uống như Tenofovir, Entercavir, có thể cải thiện được tình trạng xơ gan mất bù do siêu vi B gây ra, nếu được điều trị với thời gian lâu dài. Tuy nhiên, trường hợp nào nên dùng và trường hợp nào không nên dùng những loại thuốc nói trên, cần phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa gan có kinh nghiệm.
Một số quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới, một số bệnh nhân bị xơ gan nặng có thể được ghép gan. Ở nước ta hiện nay, việc ghép gan vẫn chưa thực hiện được.
2. Điều trị triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng:
 - Nếu có phù chân và báng bụng, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu kết hợp với chế độ ăn hạn chế muối để làm giảm bớt lượng nước dư thừa trong cơ thể. Cần lưu ý, nếu dùng thuốc lợi tiểu quá nhiều mà không có ý kiến của bác sĩ thì sẽ bị mất chất kali do tăng thải qua nước tiểu. Khi mất nhiều kali sẽ làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và gây thêm các rối loạn khác trong cơ thể. Nếu bụng báng quá to, bệnh nhân nên nằm nghỉ nhiều hơn, hạn chế bớt nước (uống khoảng 1–1.5 lít mỗi ngày) và có khi bác sĩ phải dùng kim để chọc vào bụng rút bớt nước ra khi bệnh nhân bị căng tức bụng và có cảm giác khó thở.
 - Để phòng ngừa biến chứng ói ra máu do các tĩnh mạch thực quản vỡ vì bị giãn, bệnh nhân cần phải uống các loại thuốc làm giảm bớt áp lực máu đến các tĩnh mạch bị giãn. Đó là các thuốc ức chế bêta như propranolil (avlocardyl, inderal), nadolol... và phải dùng thuốc này gần như suốt đời giống như điều trị cao huyết áp vậy.
Nếu bệnh nhân tự ý ngưng thuốc đột ngột, biến chứng ói ra máu sẽ dễ xảy ra hơn. Ở những người không hợp với nhóm thuốc nói trên thì bác sĩ có thể thay thế bằng thuốc isosorbide mononitrate (imdur).
 - Cần tránh những thuốc độc hại cho gan như các thuốc an thần gây ngủ. Ngay cả việc sử dụng không đúng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, thuốc kháng viêm... cũng có thể ảnh hưởng xấu đến bệnh. Vì vậy, nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất cứ một loại thuốc nào.
 - Tránh táo bón, nếu bị táo bón, có thể uống thuốc lactulose (duphalac) hoặc lactitol (importal) từ 2 đến 4 gói mỗi ngày sẽ giúp tẩy xổ bớt các chất độc trong ruột để phòng ngừa các biến chứng hôn mê gan.
3. Chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày (xem chương 13: dinh dưỡng trong bệnh gan).
VI. CÁCH PHÒNG NGỪA XƠ GAN
Như chúng ta đã thấy xơ gan là một bệnh lý khá nặng với nhiều biến chứng trầm trọng có thể đe dọa mạng sống. Việu điều trị xơ gan có khi rất tốn kém nhưng ít mang lại hiệu quả. Do vậy, việc phòng ngừa xơ gan là điều rất quan trọng.
1. Không nên uống rượu nhiều.
2. Chủng ngừa viêm gan siêu vi B cho tất cả trẻ sơ sinh và những người chưa từng bị nhiễm siêu vi này. Còn với viêm gan siêu vi C, cho đến nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của viêm gan siêu vi cho tất cả mọi người (xem thêm chương 4: phòng ngừa lây nhiễm siêu vi viêm gan).
3. Đối với những người đã bị nhiễm siêu vi B hoặc siêu vi C mạn tính, việc theo dõi định kỳ mỗi 3 hoặc 6 tháng là rất cần thiết để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan đang tiến triển. Nhờ vậy, có thể hạn chế được các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.
4. Nói chung là cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan hoặc có ảnh hưởng đến gan như suy tim, tắc mật...