Pages

bảo vệ lá gan


Menu

5/10/15

UNG THƯ GAN

I. KHI GAN CÓ KHỐI U NGHĨA LÀ ĐANG BỊ UNG THƯ GAN?
Khối u của gan được chia thành hai loại. Nếu khối u có nguồn gốc tại gan thì được gọi là u gan nguyên phát, còn nếu khối u xuất phát từ những cơ quan khác rồi sau đó di chuyển đến gan thì được gọi là u gan thứ phát.
Khối u gan nguyên phát lại được chia thành khối u lành tính (không phải ung thư) và khối u ác tính (ung thư gan). Như vậy không phải tất cả những khối u gan nguyên phát đều là ung thư gan.
II. U GAN LÀNH TÍNH LÀ NHỮNG KHỐI U NÀO?
U gan lành tính thường gặp nhất là u mạch máu lành tính (hemangioma). Ít nhất là 1% dân số có thể bị khối u này. U thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30 – 50. Thông thường bệnh nhân không có triệu chứng gì cả. Người ta phát hiện u một cách tình cờ khi đi làm siêu âm bụng hoặc chụp “xi-ti” bụng (CT scan). U mạch máu lành tính thường ít khi gia tăng kích thước nhưng nếu khối u quá lớn có thể làm bệnh nhân có cảm giác đau nhẹ hoặc thấy khó chịu ở vùng dưới sườn bên phải. Mặc dù vậy, khối u này không bao giờ biến thành ung thư. Do không gây nguy hiểm gì nên bệnh nhân thường không cần phải điều trị trừ khi khối u quá lớn có thể bị vỡ tự nhiên hoặc sau khi bị đụng dập ở vùng gan.
Những khối u lành tính khác của gan gồm có khối u tuyến tế bào gan (adenoma) và tăng sản dạng nốt khu trú (focal nodular hyperplasia). Khối u tuyến có liên quan đến việc sử dụng thuốc ngừa thai hoặc các loại thuốc có chứa nội tiết tố estrogen cho nên khi phát hiện khối u tuyến, phải ngưng dùng các loại thuốc nói trên để không làm cho u tiếp tục phát triển. Cả hai khối u này cũng thường được phát hiện tình cờ khi làm siêu âm hoặc “ xi-ti”. Mặc dù lành tính nhưng khối u tuyến ở gan có nguy cơ chảy máu vào bên trong khối u hoặc vào ổ bụng. Người ta chỉ mổ cắt bỏ khối u tuyến khi kích thước lớn để tránh biến chứng vỡ hoặc chảy máu.
Trước khi kết luận khối u trong gan là lành tính, các bác sĩ bắt buộc phải khám bệnh và làm tất cả các xét nghiệm cần thiết để chứng minh khối u đó không phải là ung thư gan.
III. KHỐI U NÀO LÀ UNG THƯ GAN NGUYÊN PHÁT?
Như đã nói ở trên, ung thư gan nguyên phát là những khối u ác tính có nguồn gốc ngay tại gan. Do gan được cấu tạo từ nhiều thành phần khác nhau như những tế bào nhu mô gan, biểu mô ống mật, mạch máu, mô xơ, vv...) cho nên khối u cũng có nhiều loại khác nhau tùy theo thành phần nào của gan bị bệnh. Loại ung thư gan nguyên phát thường gặp nhất là ung thư tế bào gan hay còn được gọi là carcinôm tế bào gan. Ngoài ra còn có ung thư tế bào ống mật, u mạch máu ác tính, u tế bào xơ ác tính...
IV. UNG THƯ GAN THỨ PHÁT LÀ GÌ?
Ung thư gan thứ phát hay còn gọi là ung thư gan di căn là các khối u gan có nguồn gốc từ ung thư ở nơi khác trong cơ thể. Chúng ta cũng biết gan là một “nhà máy lọc máu” cho cơ thể, cho nên những tế bào ung thư từ những bộ phận khác như phổi, vú, dạ dày, ruột già.. khi di chuyển ngang qua gan có thể nằm lại trong gan và phát triển thành khối u.
V. CÓ NHIỂU NGƯỜI BỊ UNG THƯ GAN HAY KHÔNG?
Tỷ lệ người bị ung thư gan thay đổi tùy theo từng quốc gia. Ở Mỹ, ung thư gan chỉ chiếm khoảng 1% trong tất cả các trường hợp ung thư nói chung. Còn ở vùng Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), Trung Quốc, Đài loan, Hàn Quốc và một số vùng ở Châu Phi, tỷ lệ này có thể lên đến 50%, nghĩa là cứ 100 người bị ung thư thì có tới 50 người bị ung thư gan. Vì vậy, bệnh ung thư gan đã và đang trờ thành một trong những vấn đề y tế quan trọng cho các quốc gia này.
Tỷ lệ ung thư gan cũng khác nhau tùy theo phái tính. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới khoảng gấp 4 lần. Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, lứa tuổi thường bị bệnh này là > 60 tuổi; trong khi đó ở Châu Phi và Châu Á thường gặp ung thư gan ở độ tuổi 40-60, nghĩa là sớm hơn một thập niên.
VI. TẠI SAO TỶ LỆ UNG THƯ GAN LẠI KHÁC NHAU TỪ VÙNG NÀY SANG VÙNG KHÁC?
Người ta nghĩ rằng có sự khác biệt về tỷ lệ người bị nhiễm siêu vi viêm gan B mãn tính ở các vùng đó. Hiện nay, các nhà y học đã khẳng định những người mang siêu vi viêm gan B mãn tính sẽ có khả năng bị ung thư gan cao hơn những người khác gấp nhiều lần. Tỷ lệ nhiễm siêu vi B mãn tính của dân mình khá cao và đa số lại bị nhiễm từ hồi còn nhỏ cho nên số người bị ung thư gan ở Việt Nam nhiều hơn và bệnh cũng xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn so với các nước phương Tây. 
Siêu vi C

Những bằng chứng mới đây đã cho thấy những người bị xơ gan do nhiễm siêu vi C cũng có nguy cơ cao phát triển thành ung thư gan.

Ở Châu Phi, chất aflatoxin B1 có trong một loại nấm mốc (Aspergillus flavus) mọc trên các ngũ cốc bị ẩm mốc do không được bảo quản tốt như đậu phộng, bắp... cũng là nguyên nhân đưa đến ung thư gan.
Ngoài những yếu tố trên, hiện nay người ta còn đang nghi ngờ vai trò của một vài độc tố và hóa chất ví dụ như chất độc màu da cam (dioxin).
Sau cùng, tất cả những bệnh nhân bị xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào ví dụ như xơ gan do rượu, do dư chất sắt trong cơ thể... đều là những người có nguy cơ sẽ bị ung thư gan.
VII. LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH BỊ UNG THƯ GAN?
Siêu âm gan
Trong thời kỳ đầu, đa số những bệnh nhân bị ung thư gan hoàn toàn không có triệu chứng gì. Bệnh được phát hiện là nhờ khi làm siêu âm hoặc thử máu để tầm soát những người có nguy cơ cao bị ung thư gan (ví dụ như các bệnh nhân nhiễm siêu vi B mãn tính, nhất là ở giai đoạn đã bị xơ gan) hoặc là do tình cờ làm siêu âm bụng vì một lí do nào đó. Người ta đã chứng minh rằng việc làm siêu âm bụng và xét nghiệm máu tìm chất AFP định kỳ mỗi 6 tháng có thể giúp phát hiện sớm ung thư gan khi kích thước còn nhỏ ở các bệnh nhân bị xơ gan hoặc những người có yếu tố nguy cơ khác.
Khi khối ung thư phát triển lớn hơn, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như sụt cân, đau vùng dưới sườn bên phải, chán ăn, ăn không tiêu, sốt, sức khỏe bị suy sụp nhanh và có thể bị vàng da. Bệnh nhân cũng có thể tự nhận thấy vùng dưới sườn bên phải nổi gồ lên một khối u cứng chắc. Một số trường hợp khối ung thư gan có thể di chuyển để tạo thêm các khối u ở nơi khác mà người ta gọi đó là hiện tượng di căn. Ung thư gan nguyên phát có thể di căn lên phổi, hạch bạch huyết, di căn lên đến xương làm bệnh nhân bị đau nhức các xương và có thể bị yếu liệt tay chân hoặc có thể di căn đến màng bụng làm cho bụng to dần ra do có dịch trong bụng. Đôi khi, khối u lớn có thể bị vỡ vào trong ổ bụng nên khi chọc dò trong bụng có thể rát ra máu không đông.
Nói chung, ung thư gan khi được phát hiện ở giai đoạn trễ, bệnh nhân thường sống khoảng 2-6 tháng tùy loại ung thư và mức độ lớn cũng như mức độ di căn đi các nơi của khối u.
VIII. ĐỂ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ GAN, CÁC BÁC SĨ DÙNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT Y KHOA NÀO?
Ung thư gan được phát hiện chủ yếu dựa vào những kỹ thuật về hình ảnh học như siêu âm bụng, chụp X quang cắt lớp vùng bụng (CT scanner vùng bụng). Đôi khi để xác định rõ hơn một số u ở gan, người ta còn cho chụp bụng theo phương pháp cộng hưởng từ (MRI: Magnetic Resonance Imaging).
Muốn đánh giá tình trạng lưu thông của mạch máu trong gan, người ta có thể yêu cầu làm siêu âm doppler mạch máu. Còn nếu muốn xem chi tiết hơn hình ảnh mạch máu của gan, người ta thường chụp cản quang động mạch gan, đặt biệt là trong các trường hợp bệnh nhân cần phải mổ cắt bỏ khối u ở gan.
Ngoài ra, một xét nghiệm máu không thể thiếu được trong việc chẩn đoán ung thư gan, đó là xét nghiệm đo nồng độ chất AFP trong máu. Chất AFP (Alpha Foeto-Protein) là một loại protein do các tế bào ung thư gan tiết ra. Khi phát hiện có một khối u trong gan mà chất AFP>400 ng/mL chắc chắn nghĩ đến ung thư gan, còn nếu chỉ dưới 200 ng/mL cần phải kết hợp thêm nhiều xét nghiệm khác để kết luận bệnh. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 30-40% trường hợp ung thư gan mà kết quả AFP hoàn toàn bình thường.
Việc chẩn đoán xác định cuối cùng là có ung thư gan hay không phải dựa vào kết quả sinh thiết gan. Sinh thiết gan mới là xét nghiệm có vai trò quyết định nhất cho việc loại trừ ung thư gan với các u lành tính khác của gan cũng như có thể giúp phân biệt ung thư gan là nguyên phát hay thứ phát.
IX. UNG THƯ GAN NGUYÊN PHÁT KHI ĐƯỢC PHÁT HIỆN CÓ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC HAY KHÔNG?
Vấn đề điều trị còn tùy thuộc vào thời điềm phát hiện khối u và tình trạng của gan cũng như sức khỏe của bệnh nhân có cho phép mổ cắt bỏ khối u hay không. Cho đến hiện nay, phương phát mổ cắt bỏ khối u vẫn là phương pháp tốt nhất có thể điều trị khỏi ung thư gan với điều kiện là khối u còn nhỏ (thường là dưới 5 cm), nằm ở một thùy của gan và gan chưa bị xơ nhiều. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, 50% ung thư gan vẫn có thể tái phát trong vòng 5 năm. Nguyên nhân là do tế bào ung thư đã lan đi xa ra chỗ khác mà trong lúc mổ không phát hiện được cho nên cắt u còn sót.
Ở một số quốc gia có nền y học tiên tiến, người ta có thể “thay gan mới” hay còn gọi là “ghép gan” cho những bệnh nhân ung thư gan đã bị xơ gan nhiều với điều kiện khối u còn nhỏ dưới 5cm và gan chỉ có dưới 3 khối u mà thôi. Nếu khối u lớn hơn hoặc quá nhiều u trong gan thì thường không ghép gan được.
Trên thực tế ở nước ta, 80% các trường hợp ung thư gan được phát hiện khi khối u đã lớn hoặc đã di căn đi nơi khác. Vì vậy những bệnh nhân này không còn khả năng mổ được nữa. Vấn đề điều trị chỉ nhằm mục đích làm giảm bớt kích thước khối u, giảm bớt các triệu chứng do u gây ra và kéo dài đời sống cho bệnh nhân mà thôi.
Hiện nay, còn có một vài cách điều trị mới có thể áp dụng cho những bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát:
 - Đối với những ung thư gan nhỏ hơn hay bằng 3cm, người ta có thể dùng phương pháp chích chất cồn nguyên chất vào trong khối u. Trên 90% tế bào ung thư sẽ chết đi sau khi chích chất cồn. Một vài nghiên cức cho thấy chích cồn có hiệu quả tương tự như phẫu thuật nhưng có ưu điểm là bệnh nhân tránh được cuộc mổ và không phải nằm bệnh viện lâu. Nên nhớ rằng, phương pháp chích cồn không có hiệu quả lắm cho các ung thư lớn hơn 3cm.
 - Gần đây, còn có một phương pháp mới gọi là phương pháp thuyên tắc hóa dầu qua động mạch để điều trị ung thư gan nguyên phát cho những bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật cắt bỏ khối u gan.
X. PHƯƠNG PHÁP THUYÊN TẮC HÓA DẦU QUA ĐỘNG MẠCH LÀ GÌ?
Thuyên tắc hóa dầu qua động mạch (Transarterial Oily ChemoEmbolization) viết tắt là TOCE (thường được gọi tắc là “tô-xi”) được thực hiện bằng cách tiêm một hỗn hợp gồm các thuốc tiêu diệt ung thư và một chất dầu là Lipidol vào các nhánh động mạch gan đồng thời làm tắc nghẽn các mạch máu nuôi dưỡng khối ung thư gan bằng một chất gọi là spongel. Như vậy, một mặt, tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt bởi các thuốc diệt ung thư; mặc khác chúng lại bị mất nguồn “tiếp tế” các chất bổ dưỡng và dưỡng khí do đường mạch máu nuôi khối u bị nghễn tắc. Chính sự phối hợp này đã tăng hiệu quả làm “chết” khối ung thư và làm giảm dần kích thước khối u. Số lần làm TOCE tùy theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa được đánh giá trên hiệu quả của phương pháp và tình trạng của gan cũng như sức khỏe của bệnh nhân cho phép.
Thông thường, người ta làm TOCE cho những bệnh nhân ung thư gan không còn khả năng mổ được và tình trạng gan không bị suy yếu quá nặng.
Vậy, những bệnh nhân nào không thể thực hiện phương pháp TOCE? Đó là những bệnh nhân ung thư gan mà tế bào ung thư đã ăn lan và làm tắc nghẽn các mạch máu ở gan nhất là tĩnh mạch cửa, hoặc ung thư đã di căn đến các cơ quan khác, hoặc bệnh nhân đã bị xơ gan ở giai đoạn nặng biểu hiện bằng triệu chứng vàng da rõ, bụng có nước hoặc máu khó đông. Ở những bệnh nhân này nếu làm TOCE, bệnh nhân sẽ trở nặng hơn và có thể tử vong nhanh hơn.
Sau khi làm TOCE, bệnh nhân thường có một số tai biến phụ và một số biến chứng. Đa số các biến chứng này là do khối u bị hủy hoại cấp tính do thuốc diệt ung thư và bị thiếu máu nuôi dưỡng. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như sau:
 - Đau bụng, sốt, nôn ói (90% các trường hợp), kéo dài trung bình 2,5 ngày.
 - Tăng men gan trong máu và sắc tố mật bilirubin (60% các trường hợp), kéo dài 4-6 tuần.
 - Chảy máu vào trong ổ bụng.
 - Tỉ lệ tử vong trung bình từ 2-8% các trường hợp.
Còn phương pháp nào khác để điều trị ung thư gan hay không?
Ngoài các phương pháp nêu trên, vẫn có một số cách điều trị khác chủ yếu cũng chỉ là tạm bợ nhằm kéo dài đời sống của bệnh nhân khi u không còn khả năng mỗ được:
 - Truyền hóa chất diệt tế bào ung thư (5 Fluorouracil, Cisplatin,...) qua đường tĩnh mạch.
 - Tiêm Interferon
 - Dùng thuốc kháng nội tiết tố estrogen như Tamoxifène
 - Chiếu tia xạ
 - Liệu pháp đốt điện chọn lọc khối u
Tóm lại, ung thư gan nguyên phát là một loại ung thư có tiên lượng rất nặng, thời gian sống trung bình chỉ vào khoàng 2-6 tháng nếu không điều trị. Đa số bệnh nhân không hề hay biết mình bị ung thư trong giai đoạn đầu. Khi bệnh nhân có triệu chứng để đi khám bệnh thì tiếc thay, khối u thường đã quá lớn và có thể đã di căn đi xa. Do vậy, việc điều trị thường rất khó khăn và ít có kết quả.
Chúng ta cũng biết rằng những người xơ gan do bất kì nguyên nhân nào, những người nhiễm siêu vi B, C mãn tính, những người ăn nhiều ngũ cốc bị nấm mốc đều là những người có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn những người khác. Đặc biệt nếu những bệnh nhân này lại là phái nam và trên 40 tuổi thì nguy cơ bị ung thư gan còn cao hơn nữa. Do vậy, các bệnh nhân nói trên cần phải làm siêu âm bụng và xét nghiệm đo chất AFP định kỳ mỗi 6 tháng để tầm soát ung thư gan ở giai đoạn sớm.
Những người có lá gan hoàn toàn khỏe mạnh thì ngoài việc chích ngừa viêm gan siêu vi B, đừng uống nhiều rượu, tránh ăn những ngũ cốc bị nấm mốc là những phương thức dự phòng ung thư gan tích cực và nằm trong tầm tay của chúng ta.

Không có nhận xét nào: