Pages

bảo vệ lá gan


Menu

1/10/15

VIÊM GAN DO THUỐC

Người ta nhận thấy các bệnh gan do thuốc hoặc do các hóa chất gây ra có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do gia tăng việc sử dụng thuốc và hóa chất hoặc do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm. Hiện nay, người ta đã biết có hơn 1.000 loại thuốc và hóa chất khác nhau có thể gây hư hại cho gan. Những chất này có thể là thuốc men, những dung môi dùng trong công nghiệp, những chất gây ô nhiễm môi trường... Dù được đưa vào cơ thể bằng đường uống, đường tiêm chích, hít vào phổi hay được ngấm qua da, các chất này đều đi đến gan và có thể làm cho gan bị hư hại.
Những chất gây độc cho gan được chia thành hai nhóm:

1. Những chất được biết trước là có hại cho gan ví dụ như acetaminophen (Panadol, Tylenol), carbon tetrachlorides (CCl4), rượu... Các chất này hầu như khi được sử dụng bất cứ lúc nào cũng đều có tác dụng độc hại cho gan và độc tính của chúng có liên quan đến liều dùng nghĩa là liều càng cao càng làm cho gan bị hư hại nặng hơn. Độc tính trên gan của chúng đã được chứng minh qua các thử nghiệm trên xúc vật.

2. Những chất không được biết trước sẽ gây hư hại cho gan như isoniazid (thuốc trị lao), sulfonamides (kháng sinh), phenytoin (thuốc trị động kinh)... Độc tính trên gan của chúng có thể xảy ra ở người này mà lại không gặp ở người khác. Thường thì chỉ có một số ít bệnh nhân khi dùng các thuốc này sẽ bị viêm gan mà thôi và người bác sĩ khi kê toa thuốc đó hoàn toàn không biết trước được ai sẽ bị và ai thì không bị. Tác dụng độc trên gan cũng không liên quan đến liều lượng có nghĩa là nhiều khi chỉ dùng có một lần hay chỉ một lượng rất ít cũng đã có biểu hiện viêm gan. Thực nghiệm trên súc vật cũng không ghi nhận độc tính của thuốc trên gan. Những trường hợp này người ta gọi là viêm gan đặc dị với thuốc tức là tình trạng dị ứng đặc biệt với thuốc xảy ra trên bệnh nhân đó.

I. TẠI SAO GAN DỄ BỊ HƯ HẠI DO HÓA CHẤT HOẶC DO THUỐC?

Gan giữ một nhiệm vụ quan trọng trong việc xử lý các thuốc men và hóa chất. Gan là một nhà máy lọc cực kỳ hiệu quả đối với thuốc men và các hóa chất trong máu. Vì vậy nó thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất ở nồng độ cao. Chất gây độc cho gan có thể là do thuốc men và hóa chất ở nguyên dạng mà gan chưa xử lý gì hoặc là những chất độc phát sinh từ các công đoạn chế biến thuốc men và hóa chất của gan. Đối với những chất không biết trước là gây độc cho gan thì sự hư hại của gan được nghĩ là do phản ứng dị ứng thuốc.

II. THUỐC HOẶC HÓA CHẤT LÀM CHO GAN BỊ HƯ HẠI NHƯ THẾ NÀO?

Thuốc có thể gây độc cho gan bằng nhiều cách. Một số thuốc gây hủy hoại tế bào gan, một số thuốc lại làm tắc nghẽn các đường dẫn mật nhỏ li ti trong gan, còn một số thuốc khác lại làm cho chất mỡ bị đọng lại trong gan mà người ta gọi là gan bị thoái hóa mỡ.

III. TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM GAN DO THUỐC HAY HÓA CHẤT RA SAO?

Đây là một tai biến phụ của thuốc, cho nên mỗi bệnh nhân sẽ có các biểu hiện khác nhau tùy theo từng loại thuốc, tùy vào đặc tính di truyền của từng người, tùy theo liều lượng sử dụng cũng như tùy vào việc có dùng kết hợp thêm nhiều loại thuốc khác cùng một lúc hay không. Vì vậy, biểu hiện của viêm gan do thuốc và hóa chất rất đa dạng. Thuốc có thể chỉ gây ra hư hại cho tế bào gan và làm tăng men gan nhưng không hề có biểu hiện gì ra bên ngoài cho nên nhiều bện nhân không biết mình đang bị viêm gan do thuốc nếu không được làm xét nghiệm máu. Những người này đôi khi chỉ cảm thấy mệt mỏi, ăn không tiêu, khó ngủ... Một số bệnh nhân khác lại có triệu chứng của viêm gan cấp tính như vàng da vàng mắt, buồn nôn, đau tức ở vùng dưới sườn bên phải. Đa số các trường hợp viêm gan do thuốc thường sẽ phục hồi nếu được phát hiện ra sớm và ngưng thuốc uống hoặc ngưng tiếp xúc. Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp gan bị hư hại rất trầm trong, biểu hiện bằng tình trạng sốt cao, vàng da sậm, ói ra máu, đi tiểu ít rồi hôn mê và có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài tuần. khi tiếp xúc với thuốc hay hóa chất kéo dài cũng có thể bị viêm gan mãn tính hoặc xơ gan.

Việc chẩn đoán xác định bệnh viêm gan do thuốc phải tùy từng trường hợp cụ thể. Cần nhớ rằng viêm gan do thuốc có thể có triệu chứng tương tự như viêm gan do các nguyên nhân khác. Do đó, các bác sĩ thường nghi ngờ bệnh này khi thấy bệnh nhân có biểu hiện của bệnh viêm gan và men gan tăng cao mà hỏi ra thì được biết họ đang dùng thuốc hoặc đang tiếp xúc với các hóa chất gây độc cho gan. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không khai thác được việc dùng thuốc vì nhiều bệnh nhân có thể tự uống một số loại thuốc trị cảm cúm hay giảm đau thông thường và họ không hề nghĩ rằng các thuốc này cũng có khi gây viêm gan, do đó họ không khái báo cho bác sĩ biết.

IV. NHỮNG THUỐC NÀO GÂY HƯ HẠI CHO GAN?

Sau đây là một số thuốc thường dùng có thể gây viêm gan:

1. Thuốc giảm đau nhóm acetaminophen (Paracetamol, Tylenol): nếu thuốc này được dùng theo liều lượng ghi toa khoảng dưới 6 viên 500mg (3g) mỗi ngày thì tương đối an toàn. Nếu dùng quá liều trên có thể làm tế bào gan bị chết ồ ạt và gây suy gan cấp tính. Một điều rất quan trọng cần nhớ là người nghiện rượu hoặc uống rượu cùng lúc với thuốc này thì có nguy cơ cao bị viêm gan ngay cả khi dùng với liều điều trị thông thường.

2. Thuốc kháng viêm và giảm đau không phải steroid: aspirin, diclofenac (Voltaren), phenylbutazone (Butazolidine), piroxicam (Feldene)... Mặc dù tỉ lệ bệnh nhân bị viêm gan do những thuốc này rất thấp (1-10 người bị trong 100.000 người dùng thuốc) nhưng do các thuốc này được dùng quá rộng rãi trên thị trường để trị các chứng đau nhức khớp cho nên chúng được xếp vào một trong những nhóm thuốc chính gây viêm gan do thuốc.

3. Thuốc kháng lao isoniazide gây vàng da cho khoảng 1% trường hợp dùng thuốc này. Tỷ lệ viêm gan tăng lên 2% ở một số bệnh nhân như phái nữ, người trên 50 tuổi, nghiện rượu. Đa số các ca viêm gan do thuốc kháng lao xảy ra vào 2 tháng đầu tiên khi dùng thuốc. Thuốc rifampicine cũng gây tăng men gan. Nguy cơ bị viêm gan càng cao khi dùng phối hợp isoniazide và rifampicine để điều trị bệnh lao.

4. Thuốc tăng cholesterol hay triglyceride trong máu: lescol, lovastatine...

5. Thuốc kháng sinh như sulfonamide (Bactrim, Septra), penicilline, erythromycine, tetracycline, thuốc chống nấm ketoconazole.

6. Thuốc thần kinh: chlorpromazine, phenyltoin (Dilantin).

7. Thuốc tim mạch: Alphamethyl dopa (Aldomet), amiodarone (Cordarone).

8. Thuốc chống ung thư: Methotrexate, 5 Fluorouracil (5-FU), azathioprine

9. Thuốc ngừa thai có chứa estrogen, thuốc nội tiết tố nam (androgen)

10. Thuốc gây mê halothane

11. Chất cocain

12. Một số dược thảo: Một số người cho rằng các dược thảo hoàn toàn vô hại khi sử dụng. Điều này không đúng. Sau đây là một số các loại dược thảo được cảnh báo là có độc tính trên gan: Cây cúc bạc ( groundsel), cây tầm gửi ( mistletoe), quả cây keo ( senna), cây cỏ long ba ( skullcap), cây long đởm ( gentian), cây hoa bia ( hops), cây de vàng ( sassafras), cây nữ lang ( valerian), cây bạc hà hăng ( pennyroyal oil) (nếu dùng liều lượng lớn, còn uống trà bạc hà thì an toàn), trà Gordolobo yerba, chaparral, cây tía tô đất ( germander), mate tea, comfrey, margosa oil, cây a ngùy ( asafetida)

13. Thuốc đông y Trung Quốc: Jin Bu Huan trị dau nhức và mất ngủ, Ma Huang trị bệnh suyễn và giúp giảm cân.

14. Nấm dại Amanita: nấm này không có mùi vị gì đặc biệt nên khó nhận ra chúng. Nấu chín nấm cũng không phá hủy được độc tố. Chỉ cần ăn một cây nấm duy nhất cũng có thể dẫn đến suy gan cấp nặng nề và tử vong.

15. Chất Aflatoxin từ nấm Aspergillus flavus có trong nhiều loại ngũ cốc bị ẩm mốc như đậu phộng, bắp, bột mì, lúa mạch, gạo và đậu nành. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy lượng aflatoxin có liên quan đến nguy cơ gây ung thư gan nghĩa là ăn càng nhiều những ngũ cốc bị ẩm mốc thì càng dễ bị ung thư gan.

16. Một số hóa chất dùng trong công nghiệp, những chất gây ô nhiễm môi trường cũng có thể gây ra viêm gan.

Qua bài viết này, chúng ta thấy rằng nhiều loại thuốc có thể gây hại cho gan hay nói ngược lại, gan là một cơ quan rất dễ bị hư hại do thuốc. Do vậy, việc dùng thuốc phải hết sức thận trọng, không được tự ý mua các thuốc để uống mà không đi khám bệnh hoặc không được hướng dẫn cụ thể của các thầy thuốc. Thường thì trong tất cả các hộp thuốc điều có một tờ giấy hướng dẫn ghi rõ ràng về thành phần của thuốc, chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc. Chúng ta nên có thói quen đọc kỹ lưỡng những hướng dẫn này trước khi dùng thuốc và nên uống thuốc theo toa bác sĩ. Mặc dù vậy, vẫn có một tỉ lệ nhỏ những người đặc biệt nhạy cảm với thuốc. Họ có thể bị phản ứng với bất kỳ một loại thuốc nào và bất kể uống với số lượng bao nhiêu.

Những người đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú luôn luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng  bất kỳ một loại thuốc nào.

Nếu muốn dùng những loại thuốc đông y hoặc thảo dược thì nên cẩn thận với những loại thuốc đã tán nhuyễn hoặc thuốc tễ vì không biết rõ thành phần của thuốc.

Ngoài ra khi đi khám bệnh, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ những loại thuốc mình đã hoặc đang dùng. Việc tự ý đi mua thuốc đôi khi đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.

Không có nhận xét nào: